Hoạt động của ngành

Hà Giang: Phát triển du lịch góp phần phát huy, bảo tồn các giá trị của cao nguyên đá

Cập nhật: 09/08/2010 09:08:23
Số lần đọc: 1884
Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Nơi đã và đang được quan tâm, đầu tư để bảo tồn các giá trị di sản địa chất có một không hai cũng như các giá trị nhân văn vô cùng phong phú.

Với những giá trị độc đáo và tiềm ẩn nhiều điều mới lạ, vùng đất này đã và đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước. Vì thế có thể thấy, trên lộ trình bảo tồn các giá trị của CNĐ, việc quan tâm phát triển du lịch sẽ là một hướng đi tích cực, đem lại hiệu quả bền vững cho công tác bảo tồn các giá trị ở nơi đây.


Xác định được vai trò của du lịch đối với việc phát huy và bảo tồn các giá trị CNĐ, trong những năm qua tỉnh ta đã có nhiều những hoạt động nhằm quảng bá, cùng những cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển du lịch ở đây. Thông qua đó, hình ảnh về CNĐ Đồng Văn với mục tiêu hướng tới là xây dựng một Công viên địa chất mang tầm vóc toàn cầu đang được truyền tải, trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng trong và ngoài nước. Cơ sở vật chất cho phát triển du lịch từng bước được đầu tư theo hướng xã hội hoá. Điều thuận lợi là đến nay, 100% số xã thuộc 4 huyện CNĐ đã có đường ô tô đến tận trung tâm. Tại 4 huyện cũng đã phát triển được những cơ sở lưu trú, các làng văn hoá du lịch cộng đồng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách. Đặc biệt là tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, đã có những cơ sở lưu trú khá tốt và hiện nay sự đầu tư cho lĩnh vực du lịch nơi đây đang được các doanh nghiệp giành sự quan tâm lớn...


Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã tích cực quan tâm đến việc xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, hỗ trợ khôi phục văn hoá truyền thống các dân tộc trên vùng CNĐ. Các huyện cũng đã quan tâm, chú trọng đến việc phát triển các làng nghề truyền thống như dệt may, thủ công mỹ nghệ, nấu rượu, rèn đúc... Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đã và đang mang lại những tác dụng tích cực cho việc nâng cao nhận thức về vệ sinh cộng đồng và ý thức bảo vệ môi trường, làng bản. Các dân tộc cũng đã phát hiện, bảo tồn các giá trị văn hoá của mình. Với những nỗ lực trong việc quy hoạch, bảo tồn và xây dựng những điểm nhấn, chúng ta đã được T.Ư công nhận nhiều di tích, danh thắng cấp Quốc gia trên CNĐ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch.


Từ kết quả điều tra, khảo sát đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng được chương trình du lịch CNĐ Đồng Văn với nhiều tuyến du lịch hấp dẫn gồm: Tuyến Hà Giang – Quản Bạ - Yên Minh, Yên Minh – Phó Bảng - Đồng Văn, Yên Minh – Khu Bảo tồn Du Già, Đồng Văn – Lũng Cú, Đồng Văn – Lũng Táo – Phó Bảng, Đồng Văn – Mèo Vạc, Đồng Văn – Xín Cái – Mèo Vạc, Mèo Vạc – Chợ tình Khau Vai... Các tuyến điểm du lịch trên gắn chặt với các giá trị di sản địa chất, giá trị nhân văn tiêu biểu của CNĐ, có sức hút rất lớn và sẽ góp phần quan trọng cho việc phát huy, bảo tồn Công viên địa chất. Để có thể quảng bá và giới thiệu rõ cho du khách về CNĐ, thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã tiến hành từng bước xây dựng hệ thống biển bảng quảng bá, giới thiệu các di sản địa chất bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Dần hoàn thiện các biển báo giao thông, biển chỉ giới Công viên địa chất, biển cảnh báo nguy hiểm, biển khuyến cáo bảo vệ di sản địa chất. 4 huyện cũng đã và đang được đầu tư xây dựng trạm đón khách, đồng thời thực hiện chức năng thông tin về Công viên địa chất CNĐ.


Thông qua sự quảng bá cùng với những vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị văn hoá được bảo lưu khá tốt, đến nay những địa danh và địa điểm du lịch trên CNĐ đã được đông đảo du khách biết đến và dần trở thành nổi tiếng như Núi Đôi, khu di tích Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng, Chợ tình Khau Vai, Cổng trời Bắc Sum và nhiều phiên chợ vùng cao đặc sắc. Vì thế, chúng ta đang có được những lợi thế lớn so với nhiều vùng miền trong cả nước để có thể phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của CNĐ...

 

Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch một cách bền vững, chúng ta cần tiếp tục phải đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nhiều hơn nữa sự đầu tư phát triển du lịch trên vùng CNĐ. Cần lựa chọn lĩnh vực, vấn đề đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải khó mang lại hiệu quả. Tập trung xây dựng các tuyến du lịch đã được lựa chọn về cơ sở vật chất giao thông, hệ thống nhà nghỉ, các điểm tham quan, trong đó cần lưu ý giới thiệu về một điều mà chưa nhiều người biết đến, đó là một hệ thống các tiểu vùng có khí hậu trung bình năm rất mát như Quyết Tiến, Tam Sơn, Đồng Văn, Phó Bảng, vùng Thượng Phùng – Xín Cái... Làm tốt công tác giáo dục cộng đồng, bảo tồn các giá trị vật thể, phi vật thể, bảo vệ các di sản địa chất để phục vụ cho việc xây dựng Công viên địa chất nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng. Để phát triển du lịch, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp... Chắc chắn rằng, thông qua việc phát triển du lịch, chúng ta sẽ không chỉ làm cho mọi người thấy được các giá trị của CNĐ mà cùng với đó, chúng ta sẽ từng bước tranh thủ được sự quan tâm, đầu tư từ bên trong cũng như bên ngoài đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị lớn lao của Công viên địa chất.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục