Non nước Việt Nam

Hội cầu trăng của đồng bào Ngạn (Hà Giang)

Cập nhật: 17/08/2010 14:08:26
Số lần đọc: 2252
Vào giữa đêm rằm, đắm mình giữa không gian vằng vặc ánh trăng trong lễ hội cầu trăng của đồng bào Ngạn ở bản Lâm, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang được tổ chức.
Từ bao đời nay, với lễ hội dân gian mang đậm màu sắc tâm linh này, đồng bào Ngạn tin rằng "cứ cầu ắt thiêng" để Mẹ trăng ban điều lành, điều tốt cho dân bản, cho mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, không bị dịch bệnh...

Theo phong tục cổ truyền của bản làng, một năm có 3 thời điểm thích hợp để tổ chức lễ hội cầu trăng, đó là vào ngày rằm (ngày 15 âm lịch) các tháng 8, 9 và 10. Lễ hội cầu trăng được tổ chức trên một bãi đất rộng, cả bản đều tham gia, dâng những sản vật, khấn mời Mẹ trăng xuống hạ giới nghe những tâm tư, tình cảm của người dân sau một năm siêng năng làm lụng.

Phần lễ diễn ra từ đêm 14 (âm lịch), gồm các nghi thức cúng "thổ công chúa bản" tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu trăng vào đêm hôm sau. Những người tham gia tế lễ gồm thầy cúng, già bản, 8 người giúp việc gồm 4 nam, 4 nữ. Lễ vật gồm 1 mâm mặn (đầu lợn, gà, vịt, xôi, rượu), 2 mâm ngũ quả, 1 mâm bánh làm từ ngũ cốc.

Đêm hôm rằm, khi Mẹ trăng lên khỏi đỉnh núi, bắt đầu tỏa ánh sáng xuống bản làng, đoàn người gồm người già, đoàn bưng lễ vật, đội trống, chiêng, kiệu hương, nghệ nhân cúng tế rước lễ từ miếu về đàn cúng ngoài trời được dựng ở trung tâm lễ hội, sau đó tiến hành cúng thổ công và các thần linh. Trong khi thầy cúng làm lễ, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh dàn cúng ngoài trời gọi là múa "lộn trám" xin khai hội đón trăng.

Tiếp theo, người dân tế thần Mặt trăng và nàng Chổi còn được mệnh danh là "Nàng lũ quét". Lễ vật gồm 2 mâm ngũ quả, 1 chậu nước nhỏ hứng ánh trăng, 1 hình nhân bện bằng rơm tượng trưng cho Mẹ trăng. Giúp việc cho thầy cúng trong lễ tế là hai cô gái trẻ, giỏi giang đã được chọn lựa. Hai cô gái được gọi là "Thổ Nàng Hầu".

Khi thầy cúng tiến hành các nghi lễ cúng tế, hai nàng hầu ngồi cạnh chờ nhập thần... Lễ hội cầu trăng không thể thiếu phần thi ẩm thực truyền thống, biểu diễn văn nghệ và chơi các trò dân gian. Phần thi ẩm thực, các dòng họ Ngạn chia thành từng đội chế biến các món ăn truyền thống như cơm lam, bánh nhân trứng kiến bọc lá sung, thịt vịt nướng, món rau rừng, rượu đao, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, măng chua khô…

Đêm hội cầu trăng kết thúc khi Mẹ trăng lên đứng giữa đỉnh đầu, cả bản lưu luyến làm lễ tiễn trăng về trời để rồi sau đó cùng nhau nâng chén rượu sóng sánh, cầu chúc cho một mùa vụ mới bội thu.

 

Nguồn: Website Làng Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT