Non nước Việt Nam

Tết tháng Bảy của người Phù Lá (Lào Cai)

Cập nhật: 19/08/2010 15:08:25
Số lần đọc: 2388
Dọc theo con đường mòn quanh co uốn lượn đã đưa chúng tôi đến một bản nằm ẩn dưới những vòm cây tạo không gian yên bình, mộc mạc như cái tên mà mọi người đã đặt cho vùng đất này là “Cao nguyên trắng”. Đó là làng Chỉu Cái của người Phù Lá thuộc xã Na Hối (Bắc Hà).

Làng có trên 40 hộ gia đình người Phù Lá sinh sống thành hai xóm là Xà Chải (làng dưới) và Sín Chải (làng mới). Theo tiếng Quan hỏa, “chỉu cái” có nghĩa là “chợ ven đường” vì làng nằm ở vị trí gần đường. Bà con ở Nậm Khánh, Bản Liền thường xuyên qua lại, đặc biệt vào các buổi chợ phiên Bắc Hà. Đi đến đây, họ thường ngồi nghỉ giải lao, trao đổi, mua bán hàng hóa, nên mọi người mới đặt tên làng là Chỉu Cái.

 

Cũng như người Tày, Nùng, Mông, Dao, người Phù Lá có rất nhiều ngày lễ tết trong năm. Ngoài tết cổ truyền Nguyên Đán, thì tết tháng Bảy “sì dì sừ sử”, hay người Phù Lá còn gọi là “lý tháng bảy” luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của các gia đình. Đây là ngày con cháu đón các cụ tổ tiên, ba đời, bốn đời, các linh hồn cô quạnh không có người thờ cúng được gia đình gọi về ăn tết và cầu mong các cụ tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu, gia đình có cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Nên ngày từ những ngày đầu tháng Bảy, các gia đình trong làng đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm, gà, lợn, giấy tiền, quần áo, vàng hương... để đón tổ tiên, anh em về ăn tết với gia đình. Người Phù Lá thường ăn tết tháng Bảy từ ngày 10/7 kéo dài đến hết ngày 14/7 (âm lịch). Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, họ tổ chức ăn tết từ bốn đến năm ngày, còn những gia đình nghèo cũng tổ chức ăn tết trong ba ngày. Từ ngày mồng mười trở đi, các gia đình đã dọn dẹp bàn thờ, bày hoa quả gọi tổ tiên, ông bà, cô dì, chú bác, anh em… đã mất trong gia đình về ăn tết cho đến ngày mười bốn thì tiễn các cụ. Sở dĩ người Phù Lá tổ chức ăn tết sớm với quan niệm vì trong một năm, con cháu mới có dịp mời tất cả linh hồn những người đã mất trong dòng họ về ăn tết một lần, còn những ngày lễ tết khác thì chỉ có một số người mới được con cháu mời về, cho nên phải mời các cụ tổ tiên về sớm. Mặt khác, người Phù Lá cũng cho rằng, ngày tết các gia đình con cháu đều tổ chức ăn tết, các cụ tổ tiên sẽ không đến đủ mọi nhà nên con cháu phải tổ chức sớm và kéo dài thì tổ tiên mới đến ăn tết hết các nhà con cháu.

 

Theo phong tục của người Phù Lá, ngày tết tháng Bảy dù gia đình giàu hay nghèo cũng phải chuẩn bị một mâm ngũ quả gồm bảy loại quả khác nhau như: lê (xá lì), dứa (seo pú lù), ngô (nảnh dỉ mừ páu), quả cà tím (sì chư), dưa chuột (hoàng quá ), chuối (pá cháu), củ măng hay quả lựu, miễn sao có đủ bảy loại quả theo lý tháng bảy là được. Nhưng trong các loại quả trên bắt buộc phải có quả cà tím vì quả cà (sì chư) mang tên của tháng Bảy (sì dì) dâng  lên cho các cụ trong gia đình. Khi bày xong các loại quả, người Phù Lá thường lấy các loại giấy màu như: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen cắt thành bảy màu hình người (mỗi màu một hàng và mỗi hàng bảy hình người) tượng trưng hình hài của tổ tiên về ăn tết. Mâm ngũ quả được trang trí gọn gàng, đẹp mắt vào một chiếc đĩa to hoặc bày lên một chiếc bàn đặt ở góc trái đối diện bàn thờ tổ tiên, tuyệt đối không được bày hoa quả lên bàn thờ tổ tiên. Ngoài mâm ngũ quả, gia đình còn gấp rất nhiều tiền và thuyền bằng giấy vàng (chính dình khủ), tiền này được coi là tiền đi đường (châu lủ sình) để tổ tiên đi và về cho thuận lợi.

 

Ngày đón tổ tiên về ăn tết, gia đình bao giờ cũng mổ một con gà trống để thắp hương mời các cụ tổ tiên về ăn tết. Khi cắt tiết gà hoặc lợn bao giờ người Phù Lá cũng lấy thếp giấy tiền đã được chuẩn bị trước quệt cho tiết dính vào để hôm cuối cùng mang đốt cho tổ tiên với ý nghĩa vật chứng là con cháu đã mổ gà, mổ lợn cúng các cụ. Gà được luộc chín, để cả con bày vào mâm hoặc mẹt cùng với rượu, thịt, cơm, đũa, rồi chủ nhà châm hương, đốt giấy tiền mời các cụ tổ tiên về ăn trước. Cúng tổ tiên xong, gia đình mời họ hàng và làng xóm đến dùng cơm.

 

Tết tháng Bảy của người Phù Lá mang đậm nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh quan và một niềm tin về cuộc sống vĩnh hằng của con người. Cũng là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè cùng nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT