Non nước Việt Nam

Múa dân vũ của người Thái Tây Bắc

Cập nhật: 20/08/2010 16:45:06
Số lần đọc: 3905
Nghệ thuật của dân tộc Thái nói chung và các điệu múa dân gian của người Thái Tây Bắc nói riêng được hình thành lâu đời từ thực tế cuộc sống được khát vọng tự do vươn tới ấm no hạnh phúc và chắp cánh, thổi hồn cho tình yêu. Những điệu dân vũ bỗng trở lên sống động và trường tồn trước dòng chảy của thời gian.

Đến cuối năm 1968, người ta đã sưu tầm được 36 điệu múa cổ truyền của người Thái Tây Bắc .
 
Nếu các điệu “xé vóng” - xòe vòng, điệu múa của cả tập thể mạnh mẽ sôi nổi bao nhiêu thì các bài xòe điệu lại tinh tế bấy nhiêu. Có thể nói xòe vòng là điệu múa sơ khai cổ xưa nhất trong hệ thống dân vũ Thái.

 

Đây là điệu múa tập thể không cần sự luyện tập. Tất cả các thành viên của cộng đồng, từ cụ già tới phụ nữ, trẻ nhỏ đều có thể tham gia. Động tác múa đơn giản, mọi người hồ hởi nắm tay nhau kết thành vòng tròn rồi tiến lên, lùi lại nhịp nhàng theo nhịp 2/4 của trống chiêng. Có khi vừa múa các vũ công vừa hát đối theo kiểu ứng tác thơ, một người cất tiếng hát, tất cả cất tiếng hò hưởng ứng khiến không khí vô cùng sôi nổi. Người hát chuyển sang hát thơ, ngâm nga đôi câu thơ rồi hò, tất cả cùng hò theo, làm cho tiếng thơ nổi bật sự trong trẻo, tươi vui. Xòe vòng cùng hát thơ có thể kéo dài thâu đêm bên đống lửa.
 
Dần dần hình thức múa sơ khai phát triển thêm các điệu múa diễn tả những sinh hoạt của đời sống hàng ngày như: “Xe cúp” - múa nón, “xe tẳng chai” - múa chai, “xe kếp phắc” - múa hái rau, “xe vy” - múa quạt, “xe cáp” - múa sạp, “xe lảng xe pén” - múa mộc múa khiên... Qua thời gian các điệu múa được các nghệ  nhân cải biên, nâng cao như : “xe tó cáy” - múa chọi gà cải biên từ từ “xe vy” - múa quạt, điệu múa “xe nhụm hứa” - múa đẩy thuyền cải biên từ “xe khăn” - múa khăn, “xe tằng xa” - múa vợt cải biên cũng từ “xe khăn” - múa khăn...
 
Với điệu múa “nhụm hứa”, điệu múa của người Thái trắng. Với quan niệm có thể cho linh hồn người thoát khỏi thể xác để có thể lên được cõi trời, chơi và hưởng những lạc thú không có ở chốn trần gian. Các vũ công với đạo cụ là chiếc khăn được ngôn ngữ múa diễn tả như mái chèo, cùng động tác chân mạnh mẽ đã diễn tả hình ảnh con thuyền giả tưởng lướt trên sông Ta Khái - con sông trong truyền thuyết rất hung dữ, nếu hồn rơi xuống, người sẽ chết. Trên con đường tới miền đất hứa, con thuyền gặp bao thác ghềnh vực xoáy nguy hiểm, song đoàn người vẫn vững tay chèo, đưa con thuyền tới bến Then - trời. Đề tài lấy từ thần thoại, với thực tế của vùng  sông nước Đà Giang, các nghệ nhân đã cách điệu trong mỗi bước vũ, làm cho người xem như thấy đấy chính là cuộc sống của chính họ. Các nghệ nhân còn khéo léo đưa các khúc hát thơ vào để khắc họa rõ nét thêm sự tương phản giữa một bên là sức mạnh của thiên nhiên, một bên là tài trí của con người với hình tượng đẹp mang tầm vũ trụ:

“Nước Ta Khái sóng cuồn cuộn.
Bên bến đò nước vỗ xô bờ.
Nghe ầm ầm thác đổ từ trên cao.
Bọt tung cuồn cuộn tựa ngôi nhà lớn.
Từng đợt cuộn tung lên rồi tan bọt trắng xóa tự sao trời”...

 
Với điệu “xe tô pét” - múa số 8, điệu múa cổ của người Thái Mường Lò, trong điệu khèn bè da diết như tâm tình, mời gọi, các vũ công từ hai phía đối diện, bên nam thanh, bên nữ tú tiến vào, nhập thành hàng so le nhau, một nam một nữ rồi kết thành hai vòng tròn như số tám. Trên bàn tay các vũ công gài “mắc hính” - quả nhạc, vừa nhún chân vừa lắc bàn tay, quả nhạc nẩy lên những âm thanh rộn rã như tiếng gọi của mùa xuân, tình yêu và ước mong hạnh phúc vẹn tròn.
 
Bắt nguồn từ cuộc sống, những khuôn múa dân gian của người Thái Tây Bắc sống mãi với thời gian, là món ăn tinh thần không thể thiếu. Để rồi qua mỗi bước vũ, đêm xòe, mỗi người thêm yêu đời, yêu người, tự tin bước vào một ngày mới tốt đẹp hơn. Cũng vì vậy các điệu múa Thái đã trở thành vốn văn hóa quý báu, là niềm tự hào của người Thái Tây Bắc và dân tộc Việt Nam.

Nguồn: website Vinhcity

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT