Minh Cầm (Tuyên Quang) gìn giữ câu hát sình ca
Minh Cầm hôm nay vẫn giữ được bóng dáng cổ xưa. Cả thôn nằm trong vùng đất thấp, thuận tiện cho việc trồng lúa nước. Những nếp nhà sàn lúp xúp nép mình dưới chân đồi, từng đụn khói lam chiều tỏa trên nóc nhà. Những cụ già mặc quần áo nâu, đầu cuốn khăn mỏ quạ... Mặc cho cái nắng, cái gió luôn ở trên đôi vai, người dân thôn Minh Cầm vẫn cần cù, chịu khó vỡ từng tấc ruộng, phát từng mảnh nương để sinh nhai và hát những giai điệu Sình ca trữ tình, sâu lắng của dân tộc mình.
Trong các truyền thuyết mà người già ở thôn thường hay kể cho con cháu nghe, có chuyện về tác giả của điệu hát Sình ca - nàng Lưu Ba xinh đẹp. Mồ côi cha từ nhỏ nên hàng ngày nàng sống với cây cỏ, chim muông trên rừng. Nàng Lưu Ba luôn chú ý lắng nghe tiếng chim và học thuộc giọng hót véo von của các loài chim. Nàng đã đi khắp các bản làng để học các điệu hát. Tiếng hát của nàng rất kỳ diệu, nó làm cho người chết có thể sống lại, làm cho con suối ngừng chảy, con chim ngừng hót. Đi tới nơi đâu, nàng Lưu Ba để lại ở đó những làn điệu du dương sâu lắng và ngọt ngào như nước suối nguồn. Mối tình trắc trở với người mình yêu đã khiến nàng sáng tác thành nhiều tập hát ví. Số bài hát mà nàng đặt lời nhiều hơn cả lá cây rừng. Trong nỗi cô đơn, nàng Lưu Ba đã hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi chết. Nàng được dân làng tôn lên thành bà chúa thơ, có thể sánh ngang với các thần núi, thần sông, thần ở trên trời.
Hàng năm, từ mồng 4 Tết Nguyên Đán cho đến hết tháng Giêng, thanh niên nam nữ rủ nhau đi chơi hội, chơi làng và hát với nhau. Bà Âu Thị Sửu, thôn Minh Cầm, xã Đội Bình năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ngày còn trẻ, bà đã mang tiếng hát của mình để góp trong những buổi hát đối đáp. Giọng hát của bà đã làm không ít chàng trai phải xao xuyến. Trong ký ức của bà Sửu, những đêm đi hát hội như vẫn còn nguyên vẹn. Bà Sửu bảo: Ngày xưa, còn có chuyện nếu ai không biết hát Sình ca thì không có bạn. Sình ca trở thành tiêu chuẩn về văn hoá ứng xử mà các nam thanh, nữ tú cùng hướng đến, một sự thể hiện tình cảm yêu đương ý nhị và đầy sự đam mê của người Cao Lan. Trong thôn có ông Vương Hùng Tá được mọi người nể phục vì có tài chuyển những lời hát cổ của người Cao Lan sang tiếng phổ thông bằng những câu thơ có vần điệu.
Những lời dịch nghĩa của ông luôn đi vào lòng người: Nước dâng đâu đến tận nguồn/ Nước rút đâu cạn kiệt cùng đáy sông/Buồng này như chốn triều cung/Đã vào, ra lại vô cùng khó khăn… Ông Vương Hùng Tá cho biết: Giai điệu của Sình ca ngân nga lúc bổng lúc trầm, và khi ngân, âm thanh chủ yếu được phát ra từ lồng ngực lên cổ họng và vòm họng. Người hát phải sở hữu một chất giọng khoẻ, phải biết lấy hơi và xử lý hơi phát ra sao cho vang, cho đều. Để hát được Sình ca, tất cả những người hát đều phải có sự đam mê. Sự tài hoa, lòng say mê của ông đã góp phần thổi thêm hơi thở mới vào những điệu Sình ca mà vẫn giữ được cái độc đáo, cái chất riêng vốn có của người Cao Lan. Ở thôn Minh Cầm, hầu hết các cụ già đều biết hát Sình ca và được họ lưu giữ như một báu vật của mình. Không thể để mai một bản sắc quý giá của dân tộc, từ năm 2004, ông Tiêu Sơn Học và ông Vương Hùng Tá vận động thanh niên trong làng cùng con cháu thành lập nhóm hát. Khi có thời gian rảnh rỗi, hai ông lại truyền dạy những câu hát ấy cho lớp trẻ. Không phụ lòng người già, nhiều thanh niên trong thôn đã cần mẫn luyện tập, rồi sở hữu những giọng hát điêu luyện không kém. Trong những ngày hội làng, ngày lễ, tết ở thôn, xã, nam thanh, nữ tú thường biểu diễn các tiết mục hát Sình ca.
Người làng Minh Cầm luôn ý thức được phải trân trọng nét văn hoá truyền thống và được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Họ đang thắp lên ngọn lửa của tình yêu dân tộc cho lớp trẻ bằng tất cả tâm huyết, ý thức trách nhiệm và niềm đam mê. Những câu hát Sình ca vẫn luôn ngân lên trong ngôi làng yên bình, thơ mộng ấy.