Đá Giăng (Quảng Ngãi)-“liên khúc” của thác và suối
Từ huyện Đức Phổ theo đường lên xã miền núi Phổ Nhơn bằng xe máy, qua những cánh đồng dưa, mía xanh ngăn ngắt hai bên đường, bạn hỏi thắng cảnh Đá Giăng thì ai cũng biết. Nếu đi du lịch vào tháng Sáu, tháng Bảy âm lịch, khách du lịch sẽ được chứng kiến cảnh đẹp mê hồn của Đá Giăng.
Vào thời điểm đó, cái nắng “chát chúa” của ngày hè lặn vào trong đá. Xế chiều, sau cơn mưa rào, hàng nghìn tảng đá bốc khói nghi ngút, chờn vờn bay quanh cầu vồng bảy sắc, kết dệt nên nhiều hình thù kỳ lạ. Khói đá bay la đà xuyên qua rừng cây, bốc lên cao, dâng lên nền trời, nhòa vào mây trắng như nối rừng với trời xanh. Người văn vẻ, giàu tưởng tượng nhìn cảnh ấy đã thốt lên: “Đó là vũ điệu của mây và khói”.
Tiếng róc rách từ xa vọng lại như mời gọi chúng tôi. Và chỉ mới không đầy mười phút băng rừng, khoảng không gian của đá và nước bất ngờ mở ra, phóng đãng và thật trữ tình. Nghe xao động trong những chòm hoa dại bên vách núi, chợt nhớ đã là mùa con ong đi lấy mật. Câu thơ “Con cò trên ruộng cánh phân vân” lắng trong tiềm thức từ lâu, chợt hiện lên khi đứng trước khung cảnh Đá Giăng đẹp như mơ giữa núi rừng u tịch.
Tôi phân vân bởi vì, đang ngẩn ngơ trước đoạn suối trong xanh, chầm chậm chảy dịu dàng qua hàng nghìn đá chìm đá nổi, chúng tôi lại nghe tiếng ầm ào vang vọng. Nhìn lên phía tây, thấp thoáng sau những vạt bông lau mỏng mảnh, dòng thác từ độ cao khoảng vài chục mét đổ xuống tung bọt trắng xóa, làm sáng cả một góc rừng. Tôi hỏi anh bạn đi cùng rằng Đá Giăng thực sự là thác hay là suối. Anh ta nói ngay: Đá Giăng là “liên khúc” của thác và suối.
Điều thú vị là để ướp lạnh bia ở Đá Giăng, khách du lịch không cần mang theo nước đá. Chỉ việc chọn một hốc nước nào đó, xổ thùng bia ra và trút xuống. Ngâm độ mười phút sau lấy lên uống, bia mát lạnh ở độ vừa phải làm cơn khát tan nhanh. Đá Giăng thật khéo xếp bày, chỉ cần vài chục bước chân là đã gặp một chiếc “bàn đá” đủ để hàng chục người ngồi quây quần ăn uống, vui chơi dưới bóng những tán cây già với bộ rễ xù xì dễ có đến hàng trăm năm tuổi. Sau chầu bia nhẹ nhấm với thức ăn mang theo, đoàn chúng tôi tản ra, thâm nhập Đá Giăng theo sở thích của mỗi người.
Tôi men theo rìa suối ngược lên thác. Tiếng gầm réo từ vực nước sâu dưới chân thác vọng lên nghe như bản giao hưởng dữ dội, u uất của đại ngàn trong mưa nguồn. Hơi nước giăng mờ quanh thác, chút lành lạnh gợi nhớ mình đã từng có một thoáng Prenn – Đà Lạt năm xưa. Cứ ngỡ hoa cỏ không “phù hợp” với dòng thác ầm ào chảy xiết này.
Nhưng không, từng chùm lan rừng vàng, tím, hồng…xen chút cỏ mong manh vẫn vô tư treo mình, đung đưa dọc vách đá ẩm ướt, xanh xanh màu dương xỉ. Vẻ đẹp mềm mại thăng hoa bên cạnh sự dữ dội của cái hùng vĩ.