Hoàn thành công trình Bình Định- Tây Sơn với Thăng Long- Hà Nội
Công trình nhằm sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu thể hiện về mối quan hệ giữa Bình Định- Tây Sơn với Thăng Long- Hà Nội thông qua những tác phẩm nghệ thuật sân khấu bao gồm các loại hình như hát Bội- Tuồng; ca kịch bài Chòi; kịch nói; kịch thơ; Cải lương; ca kịch Huế; Chèo…
Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hoá dân tộc Việt Nam đã tập hợp được 51 tác phẩm sân khấu từ suốt hơn nửa thế kỷ qua nói về đề tài này. Bên cạnh nững kịch bản có thời gian xuất hiện khá lâu như Ngọc Hân Công chúa (của Lưu Quang Vũ); Kiều Loan (của Hoàng Cầm); Đào mai tương ngộ (của Trương Huyền- Đinh Bằng Phi)…cũng có nhiều kịch bản mới của 38 tác giả tham gia sáng tác.
Phần lớn các kịch bản tập trung vào cuộc đời và sự nghiệp của Quang Trung- Nguyễn Huệ và những danh tướng liên quan như Bùi Thị Xuân; Ngô Thì Nhậm; Trần Quang Diệu…
Trung tâm đã tổ chức hội thảo để chọn ra 16 tác phẩm tiêu biểu xuất sắc nhất để in thành tập kich bản “Bình Định- Tây Sơn với Thăng Long- Hà Nội”. Việc ra đời của cuốn sách, theo GS Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hoá dân tộc Việt Nam đánh giá, sẽ là sự bù đắp vào sự thiếu hụt đáng tiếc trong lịch sử sân khấu nước nhà.