Hành trang lữ khách

Về Bảy Núi (An Giang) làm… nông dân

Cập nhật: 24/09/2010 14:09:56
Số lần đọc: 2136
Làm ruộng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến An Giang. Người nông dân làm du lịch ở đây còn sáng tạo “rủ” du khách tắm bùn phù sa, bắt con ốc, con hến... và cùng bềnh bồng với sông núi vốn là “đặc sản” của vùng đất này...

Du khách cùng làm ruộng với cư dân bản địa là một phần trong chương trình tham quan, du lịch trong chuyến trải nghiệm đến An Giang, thu hút đông du khách. Khách được đưa về Bảy Núi - nơi được mệnh danh là “Thất Sơn huyền bí”. Một số ít người Khmer bản địa vẫn còn làm ruộng theo phương pháp thủ công là điều hấp dẫn đối với du khách. Buổi sáng, khách được đưa ra đồng ruộng để cắt gặt, gánh lúa... cùng nông dân. Sự xuất hiện của du khách dù làm vướng bận việc đồng áng nhưng tạo được sinh khí lao động và thân thiện giữa người dân và khách phương xa. Khi nắng vừa gắt, khách được đưa vào vườn ao của các nhà dân làm du lịch để tát đìa bắt cá, kéo lưới. Những chàng trai, cô gái công sở, tay gõ phím nhưng trong trang phục nông dân lội sình, tát nước rất thú vị. Ai nấy cũng hào hứng vì tận tay mình bắt được con cá, con ốc, thu hoạch được hạt lúa... những việc làm rất xa vời đối với cuộc sống thường nhật. Thú vị nhất là khi tóm được con cá trong tay, tiếng hò hét và cả tiếng gào rú vang lên inh ỏi, làm nhộn nhịp cả phum sóc, làng xóm. Những công việc rất đỗi bình thường đối với người dân nông thôn lại là điều thú vị đối với du khách.

 

Những làng nghề tưởng chừng bị mai một vì ít người trẻ có tâm huyết, đeo đuổi nghề lại bừng sống dậy khi các đoàn du khách đến tham quan và trải nghiệm thực tế. Trong chương trình du lịch này, khách được sống trong không gian gia đình ấm cúng và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Khi đến làng dệt thổ cẩm Sray Skoth (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên), khách được tận mắt chứng kiến phương pháp dệt vải truyền thống của người Khmer. Các công đoạn được làm công phu đòi hỏi sự khéo léo, tận tụy của người phụ nữ. Đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, hiện đang được xây dựng lại nhằm duy trì nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam bộ. Có khoảng 50 họa tiết được sản xuất trên nhiều loại vải với nhiều công dụng khác nhau, từ sinh hoạt cung đình, chùa chiền đến sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, có những họa tiết đòi hỏi sự kỳ công từ 1-3 tháng của nghệ nhân để tạo ra một tấm vải. Tại đây, khách có thể trao đổi để tìm hiểu về nghề truyền thống này. Tất nhiên, nghệ nhân sẽ mời khách ngồi khung dệt “đi” vài đường dệt để trải nghiệm. Nếu nghỉ qua đêm tại làng dệt này, khách thỏa thích ngồi khung dệt và “học nghề” dệt vải của người dân để khi kết thúc chuyến tham quan, khách sẽ mang về tấm vải có công dệt của mình làm kỷ niệm.

 

Du lịch An Giang bấy nhiêu chưa đủ, khách còn thỏa chí tang bồng khi chinh phục các đỉnh núi bằng chính đôi chân của mình hoặc xe gắn máy, xe chuyên dụng... “Đặc sản” du lịch của An Giang là núi non ở vùng Bảy Núi. Gọi là Bảy Núi chứ thật ra khu vực này có đến vài chục ngọn núi lớn nhỏ, nổi tiếng là vùng đất huyền bí với nhiều câu chuyện truyền miệng về thuở khai khẩn vùng đất của tiền nhân. Những câu chuyện tưởng chừng vô lý này nhưng càng ngẫm lại càng có lý khi đó là điều để răn dạy những người đến vùng đất này khai khẩn, phải biết trân trọng thiên nhiên thì thiên nhiên mới che chở cho mình. Bài học ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Và những câu chuyện thần bí trở nên hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đến núi Sam, núi Cấm, núi Tô,... khách nghe nhiều câu chuyện “rùng mình” nhưng hấp dẫn. Riêng núi Cấm được xem là nóc nhà đồng bằng đưa chân du khách vào những đám mây hư ảo, tạo cảm giác như đang bềnh bồng. Nếu may mắn, khách được chứng kiến hiện tượng cầu vòng hình khuyên hiếm có ngay tại một trong những đỉnh núi này.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục