Hành trang lữ khách

Ngược dòng sông Cái Nha Trang

Cập nhật: 27/09/2010 17:01:55
Số lần đọc: 2427
Nói Nha Trang, người ta thường nghĩ ngay đến biển. Nhưng từ cửa biển Đại Cù Huân, ngược dòng sông Cái, bạn sẽ thấy một Nha Trang khác.

 

Sông Cái Nha Trang dài 79km, bắt nguồn từ hòn Gia Lê, cao 1.812m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và TP.Nha Trang rồi đổ ra biển Đông.

 

Muốn tìm bến tàu du lịch trên sông, du khách phải qua cầu Xóm Bóng, theo đường vào khu tắm bùn khoáng khoảng vài trăm mét thì rẽ trái, hỏi thăm người dân địa phương để được chỉ dẫn. Bến tàu nằm giữa những xưởng đóng tàu và điểm thu mua hải sản. Ngay khi xuống tàu, bạn nên đề nghị tài công quay mũi về hướng biển, làm một vòng qua hai cây cầu Trần Phú mới và Xóm Bóng, vì đây chính là nơi đẹp nhất của hành trình. Cửa Đại Cù Huân ngay dưới chân tháp Bà với bến tàu tấp nập. Hàng trăm con tàu thong thả nghỉ ngơi sau những ngày đánh bắt hay lao xao chuẩn bị cho những hải trình mới. Những cụm đá rải rác đó đây như những hòn non bộ xinh xắn, miếu thờ thần Nam Hải nằm trên một cụm đá ở giữa hai cây cầu, gọi là Hòn Miếu.

 

Nép mình bên sông là những xóm làng yên ả, thanh bình. Nha Trang nằm gọn trong một thung lũng mà núi quây quần ba mặt tây, nam, bắc nên phong cảnh nơi đây đúng là sơn thủy hữu tình. Tùy theo yêu cầu, tài công sẽ cho tàu ghé lại bên cồn đất nổi giữa sông để bạn thưởng thức nước dừa ngọt mát, hay được chủ vườn hướng dẫn cho bạn tự tay hái xuống những trái mận, xoài, ổi, cam vừa chín tới trên cây, ăn ngay theo kiểu “bao bụng”. Dọc theo bờ nước lợ là những lồng nuôi cá chình trên sông. Chính những chiếc vó, lờ, hom bắt cá, những con đò nhỏ, những nhịp cầu gỗ nối đôi bờ mộc mạc, nguyên sơ… sẽ cho bạn cảm giác bình yên, gần gũi, thân quen, dường như phố biển Nha Trang lộng lẫy, hoa lệ đã lùi đi đâu đó rất xa.

 

Tàu cập bến ở thôn Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh, TP.Nha Trang). Xuyên qua những bờ tre cong vút cần câu, la đà xuống lối đi, du khách thong thả ghé thăm những ngôi nhà cổ có tuổi đời đã gần 200 năm, trong đó ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Xuân Hải gần như còn giữ được nguyên trạng. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh mát rộng trên 4.000m², được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái nối liền nhau và có 36 cột gỗ. Ngói âm dương trên mái và thềm gạch trước sân nhà với những viên gạch, viên ngói cổ được ốp lát cách nay đã sáu đời người. Nội thất của ngôi nhà khá đồng bộ, những cây cột đen bóng, chiếc bàn, bộ ván ngựa cũ kỹ như thách đố với thời gian, đúng kiểu nhà truyền thống.

 

Điểm nhấn trong chặng dừng ở làng cổ Phú Vinh là cuốc xe ngựa thăm các làng nghề ven sông Cái. Bạn có thể nhờ tài công liên hệ giúp để thuê xe, người đánh xe sẽ kiêm luôn vai trò hướng dẫn. Vó ngựa khoan thai rong ruổi trên đường làng, đưa bạn đến thăm nơi làm lò đất và dệt chiếu truyền thống. Làng gốm Lư Cấm, xã Ngọc Hiệp đã có hơn trăm năm tuổi nghề, là nơi hưng thịnh một thời với nhiều mặt hàng gốm khác nhau, nay chỉ còn sáu hộ dân giữ nghề làm lò đất. Nếu thích, du khách có thể nhập cuộc để trở thành người thợ lò thử làm gốm qua các công đoạn như nhồi, đưa đất vào khuôn, dùng bàn xoay tạo dáng… để tự mình nắn ra một chiếc lò đất xinh xắn.

 

Làng nghề dệt chiếu cói ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang cũng đã có từ lâu đời. Bạn chắc chắn sã có những trải nghiệm thú vị khi tự tay kết mối, gạt khung, dệt nên những hoa văn sáng tạo trên nền tấm chiếu, chỉ qua bốn màu cơ bản trắng, đỏ, vàng, xanh.

 

Rời Vĩnh Thạnh, trở lại với chiếc thuyền chờ đón bạn để đưa đến điểm dừng chân cuối cùng của hành trình chính là khu tắm bùn khoáng. Rũ sạch ưu tư với gió bụi đường xa, bạn có thể “xả” mình thư giãn ở đây một vài tiếng đồng hồ, trước khi quay trở về để kịp đón ánh hoàng hôn lộng lẫy trên sông.

 

Một ngày trên sông Cái, Nha Trang bỗng hiện ra lấp lánh trong mắt bạn với vẻ đẹp khác, rất bình yên, lung linh nhẹ nhõm.

Nguồn: website báo Phụ Nữ

Cùng chuyên mục