Hành trang lữ khách

Hà Nội: Thăm bảo tháp có 108 pho tượng

Cập nhật: 28/09/2010 16:09:51
Số lần đọc: 2235
Chùa Bằng có tên chữ là Linh Tiên Phúc, vốn là một ngôi chùa cổ nằm ven bờ sông Tô Lịch thuộc phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), tiếp giáp khu đô thị mới Linh Đàm ngày nay.

Vùng đất này vốn là quê hương và đạo tràng dạy học của nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An với sự tích Đầm Mực và thần Thuồng Luồng huyền bí.

 

Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa gần như bị chìm vào quên lãng. Mấy năm gần đây, vị sư trụ trì của chùa hiện nay là thượng tọa Thích Bảo Nghiêm được sự giúp của hòa thượng Thích Trí Quảng và chúng sinh công đức đã tiến hành trùng tu và mở rộng chùa.

 

Chùa Bằng có một cảnh sắc và không gian thanh tịnh, đậm chất Phật giáo. Bao quanh chùa là những vườn cây nhãn cổ thụ, đặc biệt là cây mít 300 năm tuổi. Nhìn từ xa chúng ta có thể nhận thấy ngôi bảo tháp Phật thâm nghiêm, sừng sững 13 tầng vút lên trời xanh.

 

Theo vị thượng tọa trụ trì ở đây, năm 2002 chùa Bằng bắt đầu khởi công trùng tu và xây dựng bảo tháp Phật cao 13 tầng (tháp cao 45m tính từ chân lên đến ngọn). Trên mỗi tầng tháp đặt tám pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng quay ra tám hướng.

 

Như vậy tất cả bảo tháp chứa đến 104 pho tượng đồng lớn, nhỏ cùng bốn pho tượng Thiên Vương (tổng cộng 108 pho). Mỗi pho tượng lớn nhất, nặng nhất đặt ở tầng 1 đều có trọng lượng tới 700kg. Với những pho tượng trên tầng 13 nặng 60-70kg. Tất cả pho tượng này đều được đúc ngay tại chùa.

 

Tám cột trụ bằng đá ở dưới chân bảo tháp được làm bằng đánh xanh và có đường kính lên tới 1m, với hình rồng phượng uốn lượn. Ngay phía ngoài chân tháp có thêm tượng 4 vị Thiên Vương cũng được làm bằng đá. Có thể nói bảo tháp Phật ở chùa Bằng hiện nay thuộc vào loại cao và lớn nhất trong các tháp Phật ở nước ta.

 

Hiện nay bảo tháp đã hoàn thành và sẽ là công trình Phật giáo tiêu biểu mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội.

 

Ngoài bảo tháp Phật, chùa Bằng cũng đang lưu giữ một số báu vật quý như: bộ đôi khánh đồng rất lớn cùng chiếc chuông đồng cổ treo trên gác trước cổng. Ngoài ra chạy dọc hai bên tả, hữu ngôi chùa có vườn tượng 18 vị la hán bằng đá, tượng Quan Thế Âm bồ tát, tượng Phật bằng đá cẩm thạch…

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục