Bảo tàng Cội Nguồn: Đểm du lịch mới ở Phú Quốc (Kiên Giang)
Toàn bộ lịch sử tự nhiên, sinh vật cảnh và văn hóa Phú Quốc được gói gọn trong căn nhà năm tầng với tổng diện tích hơn 1.200m2 của khu trưng bày bảo tàng. Mỗi tầng được trưng bày và bài trí theo từng chuyên đề riêng.
Tầng 1 là chuyên đề lịch sử tự nhiên và sinh vật cảnh Phú Quốc. Tầng 2 là chuyên đề lịch sử khai phá và đấu tranh bảo vệ đảo Phú Quốc. Tầng 3 là chuyên đề sưu tầm gốm cổ. Tầng 4 trưng bày các con tàu đắm ở vùng biển Phú Quốc và tầng năm với chuyên đề Phú Quốc - nét đẹp văn hóa. Bên ngoài khu trưng bày tầng 5 là sân thượng với những ban công lộng gió biển và những bình gốm độc đáo hướng về bãi biển rợp bóng dừa xanh mát xa xa.
Nhiều thông tin ngắn gọn, hữu ích được in bằng hai thứ tiếng Việt - Anh trên các bảng thông tin ở các tầng trưng bày hiện vật cung cấp thêm cho khách tham quan những kiến thức ở tầng sâu về lịch sử hình thành và văn hóa, sản vật Phú Quốc.
Ở gian trưng bày gỗ hóa thạch, nhiều khách du lịch đã thích thú đọc bảng ghi chú trên tường: gỗ hóa thạch có nguồn gốc từ cây rừng nguyên sinh, trong kỷ Triassic và Jurassic cách đây khoảng 138 - 208 triệu năm. Sau tác động của một trận phun trào núi lửa, những thân gỗ này đã bị chôn vùi trong nham thạch và dần hình thành khối rắn chắc như đá.
Cũng ở gian trưng bày sản vật ở tầng trệt, nhiều kiến thức thú vị khác về đảo được du khách quan tâm tìm hiểu, như thông tin về san hô Phú Quốc, các rạn san hô phân bố chủ yếu ở phía nam đảo với 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 125 loài cá trong các loài san hô, 132 loài thân mềm.
Ở khu trưng bày các loại thân gỗ ở rừng Phú Quốc, du khách được biết thêm về những khu rừng nguyên sinh quý hiếm thuộc loại nhất nhì ở Việt Nam, là nơi lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái. Diện tích rừng Phú Quốc chiếm đến 70% diện tích của đảo với hệ sinh thái rừng vô cùng đa dạng như gió bầu, sao, trai, sơn đỏ... cùng thảo dược và động vật hiếm.
Và thật lý thú khi biết rằng một trong những nét đẹp văn hóa biển đảo Phú Quốc là những phong tục được hình thành từ vài trăm năm trước vẫn còn tồn tại và chi phối đời sống tâm linh và sinh hoạt của người dân Phú Quốc ngày nay. Các lễ hội truyền thống địa phương mang đậm nét văn hóa biển đảo được tổ chức hằng năm ở Phú Quốc khá phong phú như lễ hội Dinh Cậu, dinh thủy Long Thánh Mẫu, đình thần Dương Đông...
Đi suốt không gian bảo tàng ở năm tầng của gian nhà, du khách hết lạc vào những hang động thời tiền sơ sử, đến mải mê ngắm những chiếc thuyền tre thuyền thúng đánh cá xưa của Phú Quốc, những dụng cụ nhà bếp cổ xưa của cư dân đảo, trầm trồ thú vị trước bộ sưu tập tiền cổ.
Một trong những gian hấp dẫn nhất đối với du khách là gian trưng bày cổ vật vớt được từ những con tàu đắm ở bờ đông đảo Phú Quốc với các loại gốm Thái Lan có niên đại từ thế kỷ 15-17 gồm các chủng loại bát gốm, lọ men nâu đen, hũ men nâu đen. Những chủng loại gốm cổ xưa còn lưu giữ ở Phú Quốc chứng minh rằng từ rất sớm, đảo ngọc đã hòa nhịp với thương mại quốc tế bằng con đường gốm sứ trên biển.
Và còn rất nhiều thông tin bổ ích khác như Phú Quốc dưới chế độ phong kiến nhà Nguyễn, vai trò họ Mạc với Phú Quốc, Phú Quốc dưới ánh sáng của Đảng, nhà tù Phú Quốc... thu hút sự quan tâm của không ít du khách trong và ngoài nước.
Rời Bảo tàng Cội Nguồn để tiếp tục viếng thăm những cảnh đẹp thiên nhiên của đảo ngọc, hẳn du khách cảm nhận thêm chiều sâu nhiều tầng lớp văn hóa lịch sử Phú Quốc bên những bãi biển xanh trong, để thêm cảm vẻ đẹp trong veo của biển bạc, rừng xanh.