Non nước Việt Nam

Ai về Trùng Khánh với tôi không?

Cập nhật: 30/08/2021 13:14:16
Số lần đọc: 831
Trùng Khánh là huyện biên giới nằm về phía đông của tỉnh Cao Bằng. Có lẽ nhắc đến Cao Bằng thì cái tên Trùng Khánh đã khá quen thuộc với nhiều người. Cao Bằng là tỉnh Đông Bắc, giáp với Hà Giang, liền một dải biên giới, cũng có nhiều núi đá, có công viên địa chất toàn cầu. Nhưng cái khác biệt của Cao Bằng so với nhiều tỉnh biên giới phía Bắc là sông suối nhiều, khí hậu ôn hòa hơn.


Đặc biệt, Cao Bằng giữ rừng rất tốt. Người dân tộc thiểu số ở Cao Bằng chủ yếu là người dân tộc Tày. Người Tày có đặc điểm thường thấy là canh tác ở vùng gần sông suối, trồng lúa nước và chăn thả gia súc, gia cầm là chính. Phụ nữ Tày rất đẹp, vóc dáng mềm mại óng ả, da trắng, hát then thì thôi rồi, đừng nghĩ nghe một bài rồi có thể đứng dậy ra về.

Trùng Khánh hội tụ đầy đủ vẻ đẹp nhất từ thiên nhiên đến con người của Cao Bằng.

Trong những chuyến đi Cao Bằng từ trước tới giờ, có chuyến đi từ Hà Nội qua Thái Nguyên, Bắc Kạn; có chuyến đi đường cao tốc qua Lạng Sơn; có chuyến băng qua Mèo Vạc của Hà Giang sang Bảo Lâm, Bảo Lạc... tức là chạm vào đất Cao Bằng từ đủ mọi hướng, thì tôi vẫn thấy Trùng Khánh quyến rũ nhất, gợi cảm nhất.


Cầu treo trên sông Bắc Vọng - một góc nước non Trùng Khánh. Ảnh: Đỗ Bích

Huyện Trùng Khánh có diện tích gần 700km², dân số năm 2019 là hơn 70.000 người. Trùng Khánh có hai thị trấn là huyện lỵ cùng tên và thị trấn Trà Lĩnh, cách TP Cao Bằng 58km và cách TP Hà Nội 310km về phía Tây Nam. Trùng Khánh có đến hai cửa khẩu quốc gia với nước bạn Trung Quốc là Trà Lĩnh và Pò Peo. Sở dĩ Trùng Khánh là nơi nhiều người biết, nhiều người đến bởi ở đó có thác Bản Giốc, có động Ngườm Ngao và biết bao danh thắng tạo hóa ban tặng.

Trong các chuyến đi, tôi rất ít khi đến những địa điểm nổi tiếng trên bản đồ du lịch. Chúng đã được nhắc đến quá nhiều, hình ảnh ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, và đặc biệt, thường phải gặp rất nhiều khách du lịch - điều mà tôi hoàn toàn không mong chờ khi đã để thành phố đông đúc chật chội ở phía sau. Tôi luôn kỳ vọng, và quả thực chưa bao giờ thất vọng, khi “mò mẫm” vào những nơi “khỉ ho cò gáy”. Đến Trùng Khánh cũng vậy. Tôi chỉ đến Bản Giốc một lần, vào động một lần, còn thì những ngôi làng cổ, những nếp nhà cũ kỹ, những bậc thang lên xuống mòn vết chân người, những cánh đồng đầy lúa vàng, những lối đi đầy phân gia súc, những buổi bình minh và chiều tà diễm lệ... mới thật sự có sức thu hút ghê gớm.

Trùng Khánh là nơi sinh ra nhà thơ Y Phương, nhà thơ Từ Ngàn Phố, nhà văn Cao Duy Sơn và một họa sĩ cùng thế hệ 7X với tôi là Hoàng A Sáng. A Sáng sinh ra ở Pác Thay, một ngôi làng Tày cổ hàng trăm năm tuổi, từng tuyên bố nửa đùa nửa thật: Phàm một người đàn ông đã sinh ra ở Pác Thay, anh ta chỉ có thể là một nhà thơ nếu không là một thằng nghiện. Trong câu đùa của A Sáng có niềm tự hào và có cả đắng cay. Pác Thay như một lời mời gọi huyền bí. Vì thế, tôi quyết định vào Pác Thay.

Từ thị trấn huyện lỵ Trùng Khánh, cổ xưa còn có một cái tên rất hay là Co Xàu, đi xe máy chừng 15 phút, chừng 6-7km thì vào đến Pác Thay. Bạn sẽ không thể ngồi ở Hà Nội và hình dung về Pác Thay-một ngôi làng cách Hà Nội hơn 300km, nó đặc biệt đến mức nào.

Tôi sinh ra ở vùng Tày, lớn lên trong một ngôi làng Tày. Người Tày quê tôi ở nhà sàn làm bằng gỗ lợp ngói hoặc tre nứa lợp lá cọ, tùy vào điều kiện kinh tế. Người Tày Pác Thay cũng làm nhà sàn, cũng nuôi gia súc dưới gầm sàn, người sống ở trên, mái nhà lợp ngói âm dương, nhưng những ngôi nhà lại được xây bằng đá. Tôi hỏi A Sáng vì sao ở đây lại không làm nhà sàn bằng gỗ, cậu bạn của tôi trả lời bừa: "Chắc là ngày xưa các cụ không có gỗ để làm nhà nên làm bằng đá cho nó... bền". Nghe thì cũng có lý ở chỗ nhà đá thì chắc chắn bền hơn nhà gỗ, nhưng ở giữa rừng núi mà bảo thiếu gỗ làm nhà thì không thuyết phục. Tạm thời thì tôi cứ chấp nhận giả thuyết đấy đã.

Đợt tôi lên Trùng Khánh, đã cuối mùa thu. Lúa chín vàng trên khắp các thửa ruộng. Người ta mang cót ra trải trên mặt ruộng, gặt xong, tuốt xong thì phơi luôn tại đấy. Đường làng nhỏ hẹp, đất đai chủ yếu dành cho ruộng đồng nên đến chỗ phơi cũng hiếm. Những ruộng lúa vàng óng trĩu nặng như trong tranh. Con sông Bắc Vọng xanh như một dải lụa mềm, óng ánh uốn lượn. Đầu làng có một cây cầu, cuối làng cũng có một cây cầu. Nhưng cây cầu treo mảnh dẻ tuyệt đẹp cuối làng đã bị chất cây cối lên một đầu cầu, không cho người dân đi lại nữa vì nghe nói nó xuống cấp, và đã có người bị ngã xuống sông. Người ta qua sông bằng một cái đập tràn. Nó lại lãng mạn ở chỗ, cây cầu không đi lại nữa nhưng vẫn được giữ nguyên. Cây cầu như một nét phác thảo tài hoa đầy cảm hứng của một ông họa sĩ nào đấy. Theo tục lệ người Tày ở đây, đầu làng thường trồng một cây đa, cuối làng lại trồng một cây gạo. Cây gạo cuối làng, dưới gốc của nó còn có một ngôi nhà với cái mái nhà chắp vá mấy màu liền, có lẽ là bị dột, gia chủ chưa có tiền thay toàn bộ ngói mới.

Sáng sớm, nắng vừa lên. Nắng xuyên qua những dải nước trong trẻo chảy từ những cái máng nhỏ trên cọn nước tròn xoe, chảy vào mương. Nhưng giờ đang mùa gặt, chẳng ai muốn đưa nước vào ruộng nên người ta chặn mương lại. Cái cọn cứ kẽo kẹt quay, nước cứ được cuốn lên, đổ vào mương, rồi lại chảy ra sông. Tôi hình dung những cái cọn sẽ thật là buồn phiền nếu như một lúc nào đó chúng không được quay nữa, không được ướt sũng bởi nước của dòng sông nữa.

Những cái cọn mọc đầy hai bên bờ sông, đưa nước vào ruộng. Ruộng cao hay thấp thì người ta đều có cách để đưa đủ nước vào tưới tắm cho những gốc mạ. Và thú vị nữa, vốn dĩ xưa kia nó chỉ được làm bằng tre, gỗ, thì bây giờ toàn bộ phần khung được làm bằng sắt. Nghe nói là do một tổ chức của nước Đức tài trợ. Người ta tài trợ khung sắt cho cả Pác Thay dựng cọn là bởi vì muốn người dân ở đây không dùng đến cây rừng nữa. Hãy giữ lấy những cánh rừng của các bạn, giữ lấy màu xanh cho chúng, họ nói vậy đấy.

Lại nói đến những cánh rừng.

Khi tôi đi tìm tài liệu để đọc thêm về Pác Thay, Trùng Khánh thì vô tình được biết rằng ở vùng giáp biên với nước bạn Trung Quốc này, chúng ta đang có một loài vượn vô cùng quý hiếm. Nó quý tới mức suốt 43 năm liên tục không được ghi nhận nên đã bị coi là tuyệt chủng trên quy mô khắp địa cầu. Bất thình lình, một ngày cả nhân loại sửng sốt vì phát hiện ra chúng đang có mặt ở... hai xã: Ngọc Khê (trong đó bao gồm Pác Thay) và Phong Nậm của huyện Trùng Khánh, vào năm 2002. Tức là ở trên những ngọn núi cao vút kia, đứng ở cuối bản Pác Thay nhìn lên phải ngửa mặt, đi xuyên rừng vài ba ngày, các nhà cứu hộ động vật hoang dã có thể nghe được tiếng những con vượn Cao Vít cất tiếng hú. Người ta đã thống kê có khoảng gần 20 đàn vượn Cao Vít, một số ở những cánh rừng Việt Nam, một số ở bên rừng quốc gia láng giềng, và một trong số ít chúng, không rõ “hộ khẩu”.

Pác Thay đẹp như một giấc mơ vào lúc bình minh. Trong cái huy hoàng của một ngày mới, Pác Thay bình thản và yên tĩnh, ngọt ngào êm ấm trong ngập tràn hương lúa chín. Ấy vậy nhưng Pác Thay không phải là bản làng duy nhất quyến rũ đến vậy. Cái đặc điểm địa hình nằm ở phía Đông Bắc, lạnh buốt về mùa đông nhưng mát mẻ về mùa hè, đất đai trù phú, sông suối đan cài gợi ra đúng tinh thần của mấy câu ca dao: Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng là đặc điểm chung của cả Trùng Khánh. Trên khắp hơn 21 xã và thị trấn của Trùng Khánh, bạn có thể gặp vô số Pác Thay.

Vào mùa dẻ chín, tôi băng xe máy qua những cánh rừng dẻ cổ thụ. Người ta đang thu hoạch hạt dẻ. Những quả dẻ đầy gai như lông nhím, nứt ra, để lộ bên trong thứ hạt dẻ đúng màu... hạt dẻ. Nhưng không dễ gì mua hạt dẻ chuẩn Trùng Khánh ở đúng Trùng Khánh, vì thương lái Hà Nội đã thâu tóm từ... vụ trước. Hóa ra, buồn cười không, về Hà Nội mua hạt dẻ Trùng Khánh còn dễ hơn mua ở chính nơi nó rụng xuống.

Khi tôi rời Trùng Khánh, mỗi ki-lô-mét bỏ lại đằng sau tay lái lại khiến tôi cảm thấy trong mình bắt đầu dâng lên một nỗi nhớ khó tả về vùng đất này-vùng đất tuyệt đẹp miền biên ải phía Đông Bắc của Tổ quốc, hiền lành và lộng lẫy, yên tĩnh và quyến rũ, và tột cùng yêu mến!

Bút ký của Đỗ Bích Thúy

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT