Non nước Việt Nam

Kon Tum: Bảo tồn nhà rông truyền thống

Cập nhật: 31/08/2021 10:20:18
Số lần đọc: 669
Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai và làm tốt công tác bảo tồn, khôi phục nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum,  góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các DTTS.


Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian qua, ngành VHTTDL và các địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS tại chỗ; cân đối nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, huy động xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào DTTS tại chỗ trong việc khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống của dân tộc. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 289 nhà rông với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và tự người dân đóng góp xây dựng...

Tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 462/503 làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông văn hóa truyền thống. Trong đó, có 408/462 làng đang duy trì sử dụng nhà rông, đạt tỷ lệ 88,3% làng DTTS có văn hóa nhà rông, chiếm tỷ lệ 81,1% làng đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Trong số 435 nhà rông truyền thống đang được gìn giữ, sử dụng thì có 218 nhà rông được làm bằng vật liệu truyền thống và 217 nhà rông làm bằng vật liệu vừa hiện đại, vừa truyền thống.

Nhà rông truyền thống làng Đăk Gô. Ảnh: C.C

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Hoàng, công tác khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống chưa được triển khai một cách đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Công tác xây dựng nhà rông chưa đảm bảo tính truyền thống, kiến trúc nhà rông có sự thay đổi nhất định so với truyền thống, giảm ít nhiều tính thẩm mỹ và giá trị truyền thống của nhà rông trong đời sống người dân. Bản sắc văn hóa truyền thống của nhà rông đang bị mai một, biến đổi; giá trị của nhà rông vẫn chưa phát huy hiệu quả; còn nhiều làng đồng bào DTTS chưa có nhà rông truyền thống và hiện toàn tỉnh vẫn còn 54/462 thôn, làng, chiếm tỷ lệ 11,7% làng đồng bào DTTS tại chỗ chưa có nhà rông văn hóa truyền thống. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại không gian nhà rông chưa được chú trọng triển khai thực hiện...

 Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của nhà rông truyền thống, đặc biệt nâng cao vai trò nhà rông là chủ thể trọng tâm của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án “Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các nhà rông truyền thống tại thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ nói riêng. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ, đảm bảo tính truyền thống vốn có của nhà rông; đặc biệt trong xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ cần đảm bảo gìn giữ tối đa giá trị truyền thống vốn có của nhà rông.     

Cao Cường

 

Nguồn: Báo Kon Tum

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT