An Giang: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc vào hoạt động du lịch
Bánh kà tum là sản phẩm độc đáo của người Khmer
Với du khách phương xa, An Giang được biết đến là vùng đất sơn thủy hữu tình cùng nhiều huyền tích linh thiêng. Nơi đây cũng là “mái nhà chung” cho 4 dân tộc anh em trong dòng chảy lịch sử với nền văn hóa độc đáo, đa dạng. Du khách đến An Giang không chỉ để tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ, hiền hòa, thơ mộng mà còn có thể khám phá nét đẹp văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer.
Thời gian qua, huyện miền núi Tri Tôn với mục tiêu xây dựng, phát triển DL trở thành mũi nhọn đã không ngừng vận dụng các nguồn lực đầu tư để định hình cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Trong đó, huyện miền núi này không chỉ khai thác thế mạnh DL tâm linh, các điểm “check-in” với góc nhìn đẹp mà còn tập trung phát huy các giá trị văn hóa DTTS Khmer để phục vụ mong muốn tìm hiểu, khám phá của giới nghiên cứu và du khách. Về Tri Tôn, du khách có thể đến thăm một số điểm DL vừa được khai thác, như: Khu liên hợp thể thao - DL Soài Chek, nhà truyền thống người Khmer, chùa Tà Pạ hay các làng nghề truyền thống tại địa phương…
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Vũ Duy Vũ nhận định: “Đến An Giang, tôi khá ấn tượng về nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào DTTS Khmer. Họ có những làng nghề truyền thống mộc mạc, có chiếc bánh kà tum độc đáo và khéo léo, có nghệ thuật Chằm riêng Ch’pay và những nụ cười đôn hậu! Đó là điều mà du khách muốn biết, muốn tìm hiểu và khám phá. Và đó chính là tiềm năng để ngành DL An Giang có thể khai thác một cách hiệu quả nhằm tạo ra sản phẩm DL mới phục vụ du khách”.
Du khách khá ấn tượng khi được tiếp cận kinh lá buông
Chỉ nói riêng về chiếc bánh kà tum, những thành viên trong đoàn khảo sát của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đánh giá đây là sản phẩm độc đáo, có thể thu hút du khách. Bởi, nó ẩn chứa tâm tình của người Khmer với sự tỉ mỉ và ý nghĩa thiêng liêng. Vì vậy, bánh kà tum có thể trở thành sản phẩm nằm trong chuỗi DL của Tri Tôn trong tương lai. Bên cạnh đó, còn có những bộ kinh lá buông giàu tính văn hóa được lưu giữ trong các chùa Khmer trên địa bàn huyện. Tất cả đều rất độc đáo, tạo được dấu ấn riêng cho du khách khi được tiếp cận.
Là một người Khmer, nghệ nhân làm bánh kà tum Neáng Phương luôn mong mỏi sẽ đưa chiếc bánh dân dã của dân tộc mình đến với du khách gần xa. Bà Neáng Phương chia sẻ: “Bánh kà tum đã theo tôi gần hết cuộc đời. Bây giờ, tôi mong muốn nó sẽ tiếp tục tồn tại tới đời sau. Tôi muốn truyền dạy cho nhiều người cùng biết cách gói bánh. Nếu được đưa vào hoạt động DL thì bánh kà tum ở xã Ô Lâm sẽ được nhiều người biết tới”.
Trong nhiệm vụ phát triển hoạt động DL của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tạo điều kiện để các doanh nghiệp DL đến tìm hiểu, thiết kế các sản phẩm DL phục vụ du khách. Trong đó, nội dung quan trọng được quan tâm chính là khai thác những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi.
Chùa Tà Pạ Ảnh: T.H
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Nguyễn Hữu Ngọc thông tin: “Trong chương trình kích cầu DL của tỉnh, chúng tôi đã phối hợp các ngành liên quan tập trung xây dựng các gói sản phẩm hướng đến việc phát huy giá văn hóa đồng bào DTTS Khmer, bên cạnh việc tận dụng thế mạnh cảnh quan hùng vĩ, nên thơ để tạo ra những sản phẩm DL mới. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai”.
Việc khai thác các giá trị văn hóa dân tộc là hướng đi đúng của ngành chuyên môn nhằm tận dụng các tiềm năng DL của tỉnh. Tuy nhiên, cần có biện pháp căn cơ, lâu dài để những giá trị này phát huy hết nét đẹp vốn có của nó khi trở thành sản phẩm DL của địa phương. Điều đó cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả những người Khmer tham gia làm DL nhằm khai thác hiệu quả nền văn hóa đa dạng, phong phú của vùng đất An Giang.
Minh Quân