Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Tăng quản lý bằng thống kê lượng khách lưu trú đúng & đủ

Cập nhật: 03/11/2020 08:09:21
Số lần đọc: 1231
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, việc thống kê lượng khách lưu trú đang bộc lộ khá nhiều bất cập, vừa thừa lại vừa thiếu.

Thiếu và thừa

Thống kê số lượng khách đến Huế du lịch, nhất là khách lưu trú càng chính xác sẽ giúp ngành du lịch đánh giá được thực tế, đưa ra những định hướng, chính sách phát triển kịp thời. Đặc biệt, việc đảm bảo kê khai, thống kê số lượng khách lưu trú đúng và đủ là cơ sở để đảm bảo thu thuế cho Nhà nước, tránh tình trạng trốn thuế khi khai báo không chính xác.

Một người làm lâu năm trong lĩnh vực lưu trú trao đổi với chúng tôi rằng, đối với khách du lịch, rất ít khách yêu cầu khách sạn xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Chủ yếu là cán bộ, hay doanh nghiệp đi công tác có yêu cầu, nhưng cũng chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng lượng khách du lịch. Còn lại, đại đa số đi theo kiểu tự do, đoàn gia đình, kể cả các khách đoàn lớn đi theo công đoàn cơ quan tổ chức cũng ít khi lấy hóa đơn. Trong khi đó, việc đóng thuế lại tùy thuộc vào số lượng khách khai báo. Do đó, không khai báo, hoặc kê khai ít sẽ càng giảm mức đóng khoản thuế. Đó là tình trạng xảy ra một thời gian dài.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đánh giá, câu chuyện 10 năm phát triển du lịch Huế, dù có giai đoạn chững lại, nhưng số lượng phòng lưu trú vẫn như vậy, vô lý hơn là số lượng phòng sử dụng không hết. Điều này cho thấy, đang có những kẽ hở nhất định trong khâu quản lý lưu trú, dẫn đến việc kê khai thiếu chính xác.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế là ngành quản lý trực tiếp, nhưng lâu nay để có số liệu khách du lịch phải lấy tại cơ quan công an. Chẳng hạn như vào giai đoạn dịch bệnh xảy ra, vào sáng sớm để có số liệu lưu trú đầy đủ trong đêm là chưa thể, phải đợi đến trưa, sau khi cơ quan công an tổng hợp xong mới cung cấp.

Để tăng cường quản lý lượng khách đến Huế trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra và sau khi kiểm soát, các cơ quan quản lý có thêm yêu cầu về khai báo đối với doanh nghiệp trong khai báo lượng khách. Đây là điều cần thiết, tuy nhiên, phía các doanh nghiệp cho biết phải đồng thời khai báo 3 lần ở 3 hệ thống khai báo khác nhau là quá mất công. Thứ nhất là khai báo y tế bằng giấy và điện tử, thứ hai khai báo tạm trú thông qua phần mềm của cơ quan công an và mới đây là thống kê gửi qua hộp thư điện tử đến ngành du lịch. Đó là chưa kể những yêu cầu thống kê thêm khi có những sự việc phát sinh.

“Việc khai báo quá nhiều lần quả là không cần thiết. Không chỉ có doanh nghiệp mà chính các du khách đôi khi tỏ ra khó chịu, nhất là trong việc khai báo y tế. Do đó, vì sao cơ quan quản lý không nghiên cứu, sử dụng một phần mềm có tính tích hợp. Như thế sẽ rất thuận tiện cho doanh nghiệp”, anh Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng bộ phận Lễ tân, Khách sạn Century cho biết.

Phần mềm thôi là chưa đủ

Huế đang đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động du lịch. Điều này đòi hỏi việc kê khai số lượng khách lưu trú cần có sự thay đổi mới, đảm bảo các nguyên tắc nhanh, tiện lợi, kịp với xu hướng phát triển.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel Huế hoàn thiện xây dựng một phần mềm quản lý lưu trú mới. Phần mềm này được tích hợp vào trong phần mềm Hue-S. Đảm bảo tính liên thông giữa các ngành du lịch, công an, kế hoạch đầu tư có thông tin tổng hợp, ngành thống kê, và thuế.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, tại cuộc làm việc giữa các cơ quan liên quan với lãnh đạo tỉnh về xây dựng phần mềm quản lý lưu trú mới đây, các đơn vị cho rằng, nên thông qua kê khai số lượng khách bằng phần mềm làm căn cứ để áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, như tiền điện, nước, giảm các loại thuế…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết, phần mềm quản lý lưu trú không chỉ hướng đến khai báo số lượng mà hỗ trợ các cơ sở lưu trú quảng bá hình ảnh. Đặc biệt, phần mềm còn xuất ra mã QR, du khách sẽ được hưởng lợi khi được giảm giá lưu trú, mua các mặt hàng lưu niệm, đi taxi... Khi du khách có sử dụng mã QR, thông qua mã sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm tra chính xác khách có lưu trú hay không.

Theo ông Sơn, kế hoạch áp dụng phần mềm là trong tháng 7/2020, nhưng sau đó liên tiếp dịch tái bùng phát và gần đây là bão lũ làm chậm kế hoạch. Dù thế, các cơ quan liên quan quyết tâm là cuối năm nay sẽ hoàn thiện và áp dụng.

Việc áp dụng một phần mềm tích hợp là cần thiết, tuy nhiên, một thắc mắc lớn là khi du khách không sử dụng mã QR, trong khi đó nếu các cơ sở lưu trú cố tình không khai báo đúng số lượng khách, thì việc sẽ giám sát, quản lý như thế nào?

“Phần mềm quản lý giúp tăng tính liên thông, tiện dụng trong quản lý, tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kiểm soát việc trốn thuế khi các cơ sở cố tình không khai báo, phải có sự vào cuộc giữa các cơ quan công an, du lịch, thuế trong việc thanh, kiểm tra tại các cơ sở. Có chế tài xử lý mạnh đối với các cơ sở vi phạm, mới đủ sức nặng để điều chỉnh”, ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh./.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục