Non nước Việt Nam

An Giang phát triển du lịch gắn với làng nghề

Cập nhật: 17/04/2023 14:02:22
Số lần đọc: 523
Hiện nay, tỉnh An Giang có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống, với 3.706 hộ sản xuất - kinh doanh, 11.482 lao động có việc làm thường xuyên. Đến với An Giang, du khách sẽ được trải nghiệm, tham quan các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất hàng đặc sản để tìm hiểu các giá trị văn hóa và thỏa thích mua sắm các sản phẩm đặc trưng truyền thống.


Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) luôn thu hút du khách thập phương. Ảnh: Phương Nghi

Trải nghiệm làng nghề truyền thống

Trong hành trình du lịch khám phá các làng nghề truyền thống An Giang, điểm dừng chân đầu tiên đối với du khách là xã Châu Phong, thị xã Tân Châu - là một trong những ngôi làng của người Chăm có truyền thống dệt thổ cẩm nổi tiếng. Nghề truyền thống không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con, mà còn khiến ngôi làng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch với chương trình “Trở thành một người Chăm”. Sản phẩm thổ cẩm ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, giữ được nét đặc trưng truyền thống như sà rông, khăn choàng, nón, áo khoác, túi xách luôn là những mặt hàng được khách hàng, nhất là du khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch.

Bà Trần Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: “Những năm qua, các hộ dân ở xã Châu Phong đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, sản xuất vải hoa văn đặc trưng phục vụ nhu cầu trang phục cho đồng bào các dân tộc và phục vụ du khách trong nước cũng như quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, mua sắm sản phẩm. Du khách tìm đến đây không chỉ bởi các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công, với hoa văn mang đậm tính dân tộc, mà còn bởi cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ dệt, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đồng thời giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.

Chị Nguyễn Mỹ Tuyết Dung (thành phố Hồ Chí Minh), du khách tham quan làng dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm Châu Phong chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm du lịch đáng nhớ của tôi. Tôi chưa từng nghĩ du lịch làng nghề lại thú vị đến vậy. Không chỉ khám phá văn hóa độc đáo của người Chăm, tôi còn mua được rất nhiều sản phẩm thổ cẩm về làm quà cho gia đình và bạn bè”.

Ngoài làng nghề dệt thổ cẩm Chăm, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer ở xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) cũng là một điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước trong những năm gần đây. Thổ cẩm Văn Giáo từ khâu nhuộm tới khâu dệt đều bằng thủ công, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo. Điều khiến các du khách rất ưa chuộng sản phẩm của thổ cẩm Khmer Văn Giáo chính là ở nét độc đáo về kỹ thuật nhuộm với các loại thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền có nguồn gốc từ thiên nhiên, giúp cho sản phẩm óng ả, mượt mà, trang nhã, bền màu. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách, thổ cẩm Văn Giáo, với thương hiệu Silk Khmer còn được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Pháp, Australia, Thái Lan, Campuchia…

Du khách đặt chân đến với thành phố Châu Đốc thơ mộng bên bờ sông Hậu, dường như ai cũng háo hức chờ đợi khoảnh khắc được đến khám phá “Vương quốc mắm” được hình thành từ 100 năm, để thỏa thích ngắm, tận mắt thấy những cơ sở làm mắm cá nước ngọt lớn nhất vùng miền Tây Nam bộ, với hàng trăm chủng loại, cho ra những sản phẩm mắm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Chính sự đầu tư hiện đại hóa công nghệ đã góp phần làm cho làng nghề mắm Châu Đốc ngày càng phát triển và thương hiệu ngày càng thêm nổi tiếng, càng thu hút, hấp dẫn du khách.

Những năm gần đây, An Giang có thêm nhiều làng nghề mới sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng được khách du lịch ưa chuộng, xuất khẩu được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như nghề dệt chiếu Uzu (thị xã Tân Châu), mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt (huyện Tri Tôn), thắt bính lục bình (huyện Thoại Sơn)...

Vào mùa sản xuất bánh, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh (thành phố Long Xuyên) trải dài những phên bánh tráng thẳng tắp làm say lòng du khách thập phương. Ảnh: Phương Nghi

Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang cho biết: “Thời gian qua, trong quá trình gắn kết du lịch với phát triển làng nghề nông thôn, An Giang đã hình thành các điểm “gắn kết” như tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng với làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, làng nhang Bình Đức (thành phố Long Xuyên); làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang gắn với Trung tâm du lịch cộng đồng Châu Phong (thị xã Tân Châu); làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; làng nghề mộc chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), làng nghề dệt lụa Mỹ A (thị xã Tân Châu).

“Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội” - ông Hiệp nói.

Bảo tồn và phát triển làng nghề

Để duy trì và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch nông thôn, mới đây, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu kế hoạch là đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn; đặc trưng văn hóa địa phương nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “An Giang phấn đấu đến năm 2025, công nhận ít nhất một làng nghề, thực hiện ít nhất 3 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề; huy động nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường. Khôi phục và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống có chiều hướng bị mai một nhưng đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, chú trọng các nghề có khả năng thu hút lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, vốn đầu tư công nghệ và kỹ thuật phù hợp, trong đó quan tâm đến thị hiếu và thị trường tiêu thụ”.

Phương Nghi

Nguồn: Báo Biên phòng - bienphong.com - Đăng ngày 15/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT