''Giữ lửa'' cho làng nghề truyền thống giữa thời đại số
Anh Ngô Quý Đức - thủ lĩnh của dự án cho biết “Về làng” đã được ấp ủ và gây dựng hơn 10 năm nay. Sau những kết quả tích cực với các dự án văn hóa cho cộng đồng trước đây, Ngô Quý Đức triển khai “Về Làng” với mong muốn sự chung tay, quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng sẽ giúp gìn giữ những món đồ thủ công truyền thống từng là một phần tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt.
Theo Ngô Quý Đức, chịu sự “lạnh nhạt” của một bộ phận giới trẻ, các sản phẩm nghệ thuật truyền thống nói chung đã có sự cách tân để hướng tới thế hệ tương lai. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy luôn phải cẩn trọng và bám sát yếu tố truyền thống cốt lõi. Lo lắng và băn khoăn đến các giá trị cũ có thể sẽ bị hao mòn, anh luôn trăn trở và tìm những phương án để gìn giữ, bảo vệ giá trị xưa cũ mà thế hệ trước để lại.
Trải nghiệm làng gốm Quế tại Hà Nam. Ảnh: NVCC
Vượt qua khoảng cách địa lí hay khó khăn khi tìm về những làng nghề thủ công truyền thống, Ngô Quý Đức cùng với những nghệ nhân, thợ thủ công đã xây dựng những hoạt động để lan tỏa, làm sống lại những sản phẩm tưởng chừng đã bị mai một và khôi phục nét đẹp sinh hoạt trong làng nghề đã được giữ gìn, kế thừa qua nhiều thế hệ.
Với các thông tin về làng nghề tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thừa Thiên Huế..., trang web của dự án “Về làng” đang dần trở thành địa chỉ quen thuộc của những ai muốn tìm hiểu về nghề truyền thống, hoặc đơn giản là tìm mua một món đồ chơi tuổi thơ hay các sản phẩm thủ công như con quay gỗ, tàu thủy sắt tây, phỗng đất làng Hồ, chuồn chuồn tre... Những video sống động về làng nghề mộc Kim Bồng (Quảng Nam), nghề đệm bàng Phò Trạch (Thừa Thiên Huế) hay điêu khắc gỗ dân gian của người Jrai (Gia Lai)... càng thôi thúc du khách đến tận nơi trải nghiệm và khám phá.
Làng nghề làm hàng mã Bắc Ninh. Ảnh: NVCC
Với dự án này, Ngô Quý Đức nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Trong đó, những chuyến du khảo văn hóa đến các làng nghề, hay các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống thu hút được nhiều lứa tuổi. Vì tính độc đáo cũng như việc dễ bị tổn thương, các sản phẩm được tạo ra từ chất liệu văn hóa dân gian luôn cần được nâng niu và bảo vệ, đòi hỏi lớp kế thừa để tiếp tục lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, điều "Về làng" hướng đến là chất liệu văn hóa dân gian có thể được "sống" bền vững, hay tự bảo tồn ở các vùng nông thôn - nơi mà nét truyền thống vẫn được trân trọng, vẫn mang đậm sắc màu của làng quê Việt Nam.
Nỗ lực của "Về làng" cho thấy xu hướng tìm về những giá trị văn hoá cội nguồn, về nghệ thuật truyền thống vẫn hiện hữu trong thế hệ trẻ. Trước sự du nhập ồ ạt từ các nền văn hoá, nhiều người trẻ giờ đã tiếp cận một cách có chọn lọc và cũng đã phần nào dành sự ưu tiên cho văn hoá Việt. Ngô Quý Đức đã làm tốt công việc của mình, để truyền cảm hứng cho thêm nhiều việc làm thật ý nghĩa, giữ hơi ấm văn hóa dân gian giữa thời đại số./.
CTV Phương Thúy