Hà Nội: Làng gốm cổ Kim Lan
Gốm Kim Lan
Nghề gốm ở Kim Lan xuất hiện rất sớm. Qua khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, cơ quan chức năng cho rằng nghề gốm ở Kim Lan có từ thế kỷ VIII và phát triển hưng thịnh đến thế kỷ XVIII.
Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô mộc mạc, giản dị. Đến thế kỷ XVIII, nghề gốm ở Kim Lan dần mai một.
Những năm 1990, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa nhưng đến những năm 2010, gốm sứ lại gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường, đặc biệt là hàng của Trung Quốc, số hộ làm gốm giảm dần. Trước khó khăn, một số hộ dân mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas. Các sản phẩm cũng đa dạng hơn, bên cạnh hàng mỹ nghệ, người làng tập trung sản xuất sản phẩm dân dụng, đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa, gạch ngói xây dựng…
Hiện nay, xã Lim Lan có hơn 400 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Nghề gốm sứ mang lại khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương.
Xã Kim Lan hiện có hơn 400 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia.
Ông Đào Văn Thịnh ở thôn 5, xã Kim Lan cho biết, gia đình chuyên sản xuất các loại bình, chóe, mâm bồng, bát hương bằng sứ với nhiều kiểu dáng, chất men khác nhau. Hiện cả thôn có 430 hộ dân thì có 45 hộ làm gốm. Với người thợ gốm bình thường, ngày công trung bình đạt 300 nghìn đồng. Riêng với các thợ xếp gốm vào lò đòi hỏi kỹ thuật và nặng nhọc, ngày công có thể đạt 1 triệu đồng.
Tuy đã khôi phục được làng nghề truyền thống bề dày nghìn năm tuổi nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Lan, nghề gốm ở xã vẫn còn hạn chế và chưa được nhiều người biết đến như gốm sứ ở Bát Tràng. Chính vì vậy, có một thực tế là không ít hộ gia đình ở Kim Lan sản xuất gốm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng lại phải “mượn danh” gốm Bát Tràng để tiêu thụ hàng.
Những sản phẩm gốm sứ Kim Lan được trưng bày, quảng bá trong các hội nghị, sự kiện diễn ra tại địa phương.
Tháo gỡ khó khăn, xã đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và tự tin sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” dán vào các sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và quảng bá cho sản phẩm địa phương.
Xã Kim Lan cũng đã thành lập hội gốm sứ, có hợp tác xã chuyên ngành về gốm sứ đại diện cho các hộ thành viên khi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với đối tác. Đặc biệt, trong các năm gần đây, xã chú trọng hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để dự thi trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.
Một công đoạn đỏ khuôn trong quy trình tạo ra sản phẩm gốm ở Kim Lan.
Là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm gốm sứ đặc sắc, mang đậm phong cách của làng nghề gốm cổ Kim Lan, Công ty TNHH Ceramics Thanh Bình tự tin lựa chọn các sản phẩm dự thi OCOP. Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Ceramics Thanh Bình đều có tem, nhãn, được quảng bá rộng rãi trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm của thành phố, của huyện. Nhờ đó, người tiêu dùng biết, tìm đến mua hàng nhiều hơn, lượng tiêu thụ tăng, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm.
Khách tham quan, tìm hiểu về sản phẩm gốm sứ ở Kim Lan.
Anh Phạm Văn Nguyên ở thôn 2, xã Kim Lan cho biết thêm: "Gia đình tôi xác định cần có hướng đi riêng cho sản phẩm, cần khẳng định thương hiệu gốm của quê hương. Chính bởi vậy, gia đình đã dán logo “Gốm cổ Kim Lan” lên từng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Tôi tin rằng, với những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá cạnh tranh, gốm Kim Lan sẽ khẳng định được vị thế trên thị trường và nghề gốm ở Kim Lan - làng gốm cổ lâu đời ở Hà Nội sẽ phát triển".
Nguyễn Mai