Non nước Việt Nam

Giữ gìn thương hiệu nón lá Huế

Cập nhật: 06/01/2023 08:04:24
Số lần đọc: 718
Nón lá Huế là một trong những sản phẩm đặc sắc của các làng nghề truyền thống, thể hiện được nét đẹp của cả một vùng văn hóa Huế. Ðể bảo tồn và phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang đưa ra, nhiều giải pháp mang tính sáng tạo để vừa phát triển thương hiệu cho làng nghề nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật sử dụng nón lá Huế làm đạo cụ.

Nón lá cùng với chiếc áo dài là vật dụng gắn bó mật thiết với người phụ nữ và được coi là y phục dân tộc của người phụ nữ Việt Nam. Nón lá có ở ba miền nhưng với Huế, đã được mặc định không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là văn hóa, hồn cốt của Huế khi kết hợp cùng áo dài đã tạo nên sự nền nã, dịu dàng, thanh mảnh, duyên dáng của phụ nữ Huế.

Phát triển nón lá gắn với cộng đồng

Nón lá Huế - sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, phản ánh sinh động dòng chảy lịch sử lâu đời của vùng đất cố đô. Nón lá từ lâu đã ghi dấu ấn đậm sâu trong thơ ca, văn học nghệ thuật và cả trong nếp sinh hoạt hằng ngày của người dân, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng của người con gái Huế với nét đặc trưng riêng so với nón của một số địa phương khác. Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Ðốc Sơ,...

Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ, xã Phú Hồ; Mỹ Lam, xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang); Phú Cam, Phước Vĩnh, Ðốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ (thành phố Huế)... cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách.

Hiện nay, ngoài nón 3 lớp, nón bài thơ, nón lá kè, các nghệ nhân Huế đã cho ra đời thêm nón lá bàng, nón lá sen, nón trúc chỉ, tinh tế và đẹp mắt... Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng chừng bỏ đi, với bàn tay tài hoa, vợ chồng ông Võ Ngọc Hùng, ở phường Kim Long (thành phố Huế), đã tạo ra những chiếc nón xương lá bàng mới lạ, độc đáo. Ở làng Ðốc Sơ, thuộc phường An Hòa (thành phố Huế), nón lá sen là ý tưởng của một chàng trai xứ Huế - Nguyễn Thanh Thảo. Sản phẩm nón lá sen đã đoạt giải A cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.

Nghề làm nón lá ở Huế và những người làm nghề nón đang đứng trước những thách thức, do thu nhập thấp và không ổn định. Giá trị ngày công lao động thấp, trung bình từ 30.000-50.000 đồng. Rất nhiều người đã từ bỏ nghề làm nón. Khảo sát ở làng Mỹ Lam (huyện Phú Vang) cho thấy, trước đây có hơn 300 hộ làm nghề chằm nón, nhưng nay chưa đến 20 chị phụ nữ tham gia và phần lớn là người già, neo đơn, tàn tật. Ở làng nón xã Phú Hồ (Phú Vang) cũng tương tự, giờ chỉ còn khoảng dưới 15 hộ chằm nón...

Một trong những nguyên nhân là thị trường tiêu thụ nón bài thơ ngay tại Thừa Thiên Huế vẫn chưa ổn định, nhiều sản phẩm cũng khó tiêu thụ. Ngay ở chợ Ðông Ba, ngôi chợ trung tâm thành phố, đầu mối lớn về buôn bán nón Huế, tỷ lệ nón Huế chỉ chiếm 10-40%, còn phần lớn nón lá nhập từ Quảng Bình và Bình Ðịnh.

Với những giá trị truyền thống, văn hóa, nón lá Huế là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2010. Hội nón lá Huế được giao quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá Huế với vùng chỉ dẫn địa lý nón lá Huế (vùng nguyên liệu lá nón, vành nón, sơ chế nguyên liệu lá nón, vùng sản xuất khung chằm,...).

Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống

Ðể gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống nón lá Huế phù hợp cuộc sống hiện đại, với sự tài trợ của Viện Friedrich Naunamn Foundation For Freedom - Cộng hòa Liên bang Ðức tại Việt Nam (FNF Việt Nam) Hội Nón lá Huế vừa tổ chức hội thảo về “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nón lá Huế”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống làm nón lá, khai thác không gian, cảnh quan văn hóa, hình thành các điểm tham quan, du lịch. Hình thành trung tâm trưng bày, thao diễn nghề làm nón lá gắn với trung tâm trưng bày, trình diễn và may đo áo dài Huế, tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, cần có các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích tiểu thủ công, xúc tiến thương mại, quảng bá, truyền thông từ nhiều góc độ, quan tâm đào tạo nghề, quan tâm tiếp thị và tìm kiếm đầu ra.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, Thừa Thiên Huế đặt ra trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống ở Huế là phải gắn bó chặt chẽ với phát triển du lịch. Phát triển du lịch làng nghề sẽ tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch, tạo thêm việc làm cho bộ phận dân cư làng, xã, phường, hội. Ðối với làng nghề nón lá truyền thống, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 3 nghề và làng nghề nón lá truyền thống: nghề nón lá Vân Thê, làng nghề nón lá Mỹ Lam và Thanh Tân.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã hình thành Hội Nón lá Huế và điều cần làm vào lúc này là hội cần làm đầu mối giúp các hội viên liên kết, phối hợp với các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch để giới thiệu và bán sản phẩm nón lá làm quà lưu niệm; nghiên cứu kinh nghiệm kinh doanh để tư vấn các hội viên hợp tác với các đơn vị du lịch. “Cần liên kết (ký thỏa thuận hợp tác) với Ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố Huế, nhất là chợ Ðông Ba, để vận động các tiểu thương kinh doanh hàng nón ưu tiên mua/nhận hàng từ các hội viên của Hội Nón lá. Ðồng thời, cam kết bảo đảm chất lượng tốt, giá cả ổn định đối với các sản phẩm nón của Hội”, Phó Chủ tịch Hội Nón lá Huế Phạm Thị Lan cho biết.

“Thời gian tới, cần ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa dữ liệu về lịch sử hình thành, phát triển của nón lá Huế. Hình thành trung tâm trưng bày, thao diễn nghề làm nón lá gắn với Trung tâm trưng bày, trình diễn và may đo Áo dài Huế, tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 06/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT