Hà Nội: Sơn Đồng giữ nghề truyền thống
Chế tác tượng tại làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Đặng Linh
Độc đáo nghề tạc tượng, chế tác đồ thờ
Hà Nội có hàng trăm làng nghề nhưng hiếm có ngôi làng nào chuyên tạc tượng và sản xuất đồ thờ như ở làng Sơn Đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Trung Hùng cho biết, nghề tạc tượng ở Sơn Đồng có từ hơn 300 năm trước. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng mai một, đến năm 1986, khi cơ chế kinh tế có hướng phát triển mới, nghệ nhân Nguyễn Đức Dậu (1896-1988) đã mở lớp dạy nghề, rồi phối hợp cùng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội tổ chức đào tạo một cách bài bản để người dân trong xã vừa nắm vững kiến thức khoa học, vừa biết "thổi hồn" cho sản phẩm. Miệt mài học tập, những người thợ nơi đây không chỉ giữ được nghề truyền thống mà còn có bước phát triển mới đáng ghi nhận.
Không giống những làng nghề truyền thống khác, làm nghề chủ yếu là người cao tuổi, Sơn Đồng hội tụ được nhiều thợ trẻ với tay nghề cao, nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Ông Nguyễn Chí Dần, người dân xóm Trại Chiêu (xã Sơn Đồng) cho biết, trong một gia đình ở Sơn Đồng, cha mẹ làm nghề, các con cũng phải phụ giúp thêm. Vì thế, chỉ lên mười tuổi, trẻ em trong xã đã biết một số công đoạn để làm ra sản phẩm, học đến hết phổ thông là có thể thành thục tay nghề. Cứ thế, "chất nghề" như ngấm vào máu, đến nay nhiều người trẻ ở xã Sơn Đồng đã dựng được các xưởng sản xuất lớn, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rộng khắp cả nước.
Để chế tác đồ thờ và tượng thờ, người thợ Sơn Đồng phải tìm hiểu sâu về truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, một thợ giỏi, khi thực hiện bức tượng cũng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng sao cho khỏi lãng phí gỗ. Khâu sơn son, thếp bạc, thếp vàng cũng vậy, mỗi sản phẩm phải qua gần chục nước sơn mà không gợn, thếp làm sao cho gọn, cho sắc nét...
Đến năm 2021, xã Sơn Đồng đã có 18 nghệ nhân được thành phố Hà Nội phong tặng và 1 Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu. Năm 2022, xã Sơn Đồng đã có 3 cá nhân làm hồ sơ trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú làng nghề.
Tạo điều kiện phát huy giá trị làng nghề
Những ngày cuối năm, làng nghề Sơn Đồng như rộn ràng hơn. Khắp các xóm, thôn vang âm thanh đục đẽo lách cách sống động. Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều công trình đình, chùa... được xây dựng, trùng tu, tôn tạo, các cơ sở thờ tự, các gia đình đặt mua tượng, đồ thờ nhiều hơn.
Anh Nguyễn Chí Khoa, chủ một cơ sở sản xuất ở xóm Trại Chiêu cho biết, gia đình làm nhiều loại sản phẩm, từ tượng cho các đình, chùa đến ban thờ, hoành phi câu đối... cho các tư gia. Thời điểm này, gia đình nhận được nhiều đơn hàng nên có hôm phải làm đến khuya để kịp tiến độ giao hàng cho khách. “Thu nhập mỗi người thợ tùy theo tay nghề nhưng thấp nhất cũng là 300 nghìn đồng/ngày công; các thợ đục tay nghề cao có thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/ngày công, với các chủ xưởng tính toán tốt thì cao hơn rất nhiều...”, anh Nguyễn Chí Khoa chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Trung Hùng, Sơn Đồng hiện có khoảng 1.700 hộ làm nghề, chiếm 70% tổng số hộ dân trong xã. Mỗi năm, làng nghề Sơn Đồng mang lại giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Xã không còn hộ nghèo và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Có nghề độc đáo, người Sơn Đồng luôn chú trọng truyền dạy để những tinh hoa của quê hương được gìn giữ và phát huy trong đời sống đương đại. Mỗi năm, xã Sơn Đồng đều mở các lớp dạy nghề cho thợ trẻ; khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho con cháu; hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Năm 2021, Sơn Đồng có 2 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP.
Khó khăn nhất của làng nghề hiện nay là thiếu địa điểm sản xuất tập trung. Do nằm trong quy hoạch phát triển đô thị nên Sơn Đồng không được quy hoạch cụm công nghiệp. Thực trạng là các hộ làm nghề vẫn sản xuất tại gia đình nên khó mở rộng được quy mô.
Xã Sơn Đồng định hướng phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Mong muốn của địa phương là được thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng khu bảo tồn và giới thiệu nghề truyền thống trên diện tích gần 6ha tại xứ đồng Trại Chiêu. “Nếu dự án này được chấp thuận, xã sẽ có nơi bảo tồn, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm làng nghề với du khách gần xa gắn với phát triển du lịch...”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Trung Hùng nói với phóng viên Báo Hà Nội mới.
Nguyễn Mai