Non nước Việt Nam

Hà Nội: Trăn trở giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 30/09/2022 10:34:44
Số lần đọc: 1161
Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều nghề truyền thống gắn với tên phố, tên làng, tạo nét văn hóa đặc trưng. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Việc giữ nghề truyền thống đang là trăn trở của nhiều địa phương bởi không chỉ phát triển kinh tế, làng nghề còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa.

Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ).

Đứng trước nhiều thách thức

Xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cách đây chừng 15 năm là “công xưởng” sản xuất đồ mây tre giang đan của cả nước. Thời điểm đó, người người, nhà nhà làm mây tre giang đan với đa dạng sản phẩm, như: Bàn, ghế, giường, tủ, kệ, lọ, bình… tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Song, hiện nay, số hộ làm nghề đã giảm nhiều. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa) là Hội trưởng Hội Doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ cho biết, làng nghề đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thu nhập từ nghề này thấp so với các ngành nghề khác nên nhiều lao động bỏ nghề. Hơn nữa, nguyên liệu chính để làm sản phẩm (mây trắng, tre, nứa, song, giang, vầu, trúc, cỏ tế, guột…) dần khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao.

 “Huyện Chương Mỹ hiện có 142 đơn vị, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng mây tre giang đan. Ước tính, mỗi năm, làng nghề cần 600 tấn mây, 700 tấn song, 500 nghìn cây tre, nứa, giang, 100 nghìn cây trúc, 500 tấn cỏ tế… Trước đây, nguyên liệu mua tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng hiện nay nguồn cung bị thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, dẫn đến thu nhập của người sản xuất giảm…”, ông Nguyễn Văn Trung phân tích thêm.

Tương tự, làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng gặp nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho hay, nghề dệt lụa ở làng đã có cách đây hơn 1.000 năm, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Nếu như năm 2001, cả làng có gần 500 máy dệt, hoạt động cả ngày lẫn đêm, thì hiện tại, cả làng còn không quá 300 máy dệt hoạt động. “Làng tôi được bao bọc bởi những khu đô thị, chung cư cao tầng. Nhiều hộ bao đời giữ nghề dệt lụa đã chuyển sang làm kinh doanh dịch vụ, thu nhập cao hơn nên không thiết tha với nghề truyền thống”, ông Phạm Khắc Hà nói.

Thực tế, cơ chế thị trường mở ra, nhiều nghề mang lại thu nhập cao hơn và người lao động thêm nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, sự mai một của các làng nghề truyền thống cũng đồng nghĩa với việc mất đi nét văn hóa lâu đời khiến nhiều người nuối tiếc… Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Trần Sỹ Tiến, trước đây, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề; năm 2020, qua điều tra, rà soát cho thấy, đã giảm 544 làng nghề, chỉ còn 806 làng nghề đang hoạt động.

Nỗ lực giữ nghề

Chủ động tháo gỡ khó khăn, những nghệ nhân, thợ giỏi, người tâm huyết với làng nghề đang nỗ lực bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Trở lại đất nghề mây tre giang đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu, cơ sở sản xuất đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để chế biến, xử lý nguyên liệu thay thế mây tre đan từ xơ của thân cây đu đủ, quả mướp, thân cây chuối… Từ các nguyên liệu này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giải "bài toán" thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu hiện nay.

Trong khi đó, nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho rằng, con người là nhân tố quan trọng nhất, vì vậy, việc nâng cao tay nghề, tình yêu nghề cho người dân là yếu tố quan trọng nhất. Qua nắm bắt thực tế, ông Phạm Khắc Hà nhận thấy không phải người dân nào cũng quay lưng với nghề truyền thống mà bởi họ gặp khó khăn tạm thời. Chỉ cần có cơ chế động viên, khuyến khích là nhiều người sẽ trở lại gắn bó với nghề dệt lụa. Trong đó, phát triển làng nghề gắn với du lịch là cách chính quyền và người dân Vạn Phúc đang làm để nỗ lực giữ nghề truyền thống.

Giữ gìn, phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế mà còn là cách bảo lưu nét văn hóa, bản sắc của mỗi làng, mỗi địa phương. Đáng mừng, dù khó khăn nhưng hiện nay vẫn có nhiều địa phương, nhiều người tâm huyết, bằng nhiều cách khác nhau đang âm thầm, lặng lẽ giữ gìn nghề truyền thống để dòng chảy văn hóa Hà Nội được nối dài và trường tồn với thời gian.

Nguyễn Mai

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 30/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT