Khám phá nghệ thuật dệt vải của người Thái Thanh ở Nghệ An
Phụ nữ dân tộc Thái Thanh trình diễn kỹ thuật dệt vải căn sợi tại Viện Goethe trong triển lãm của Craftlink.
Bản Na nơi chị sinh sống nằm giữa non xanh nước biếc thơ mộng ở vùng rừng núi phía tây nam huyện Kỳ Sơn, với những ngôi nhà gỗ đơn sơ của người Thái Đen (người địa phương còn gọi là Thái Thanh. Vùng đất này có khí hậu khá khắc nghiệt, phải chịu nhiều rủi ro do thiên tai, nhưng người dân ở đây luôn nỗ lực, lạc quan. Một điểm đặc biệt nữa là ở bản, vẫn còn nhiều người giữ và vẫn đang làm nghề dệt vải truyền thống.
Theo truyền thống của người Thái Thanh, các cô dâu trước khi về nhà chồng không những phải tự may trang phục cho bản thân mình, mà còn phải chuẩn bị quà tặng cho gia đình chồng bằng các loại chăn, đệm, vải, màn… Số lượng quà tặng phải chuẩn bị cho gia đình chồng trước lễ cưới khá nhiều, thường ít nhất là một đôi chăn đen, một đôi chăn đỏ, một đôi đệm nhồi bông lau, 20 gối thêu, 2 bộ váy áo, 10 đến 20 sải vải bông trắng và một chiếc màn trang trí kiểu truyền thống.
Thông thường, để chuẩn bị cho những món quà tặng này, mẹ của cô dâu cùng các chị em họ hàng sẽ phải giúp cô dâu dệt vải, may vá, thêu trước khoảng từ 2-3 năm. Chị Lô Thị Mai cho biết, chị biết dệt từ năm 12, 13 tuổi, và đến năm 15 tuổi là bắt đầu dệt chăn, áo váy để chuẩn bị các món đồ cho ngày lấy chồng.
Chính vì thế, các cô gái Thái Thanh từ khi còn nhỏ đã được mẹ, bà dạy nghề dệt vải, để đến khi trưởng thành là có thể tự dệt, may trang phục, khăn, chăn màn, đệm… để chuẩn bị cho đám cưới. Và bản thân các cô gái Thái Thanh cũng phải cố gắng học hỏi từ các bà và các mẹ để có được kỹ năng dệt vải thành thạo. Đây cũng là lý do người dân tộc Thái Thanh rất coi trọng kỹ năng dệt vải, thêu thùa.
Có thể dễ dàng nhận ra trang phục của người Thái Thanh ở Nghệ An khác hoàn toàn với trang phục của người Thái ở bất kỳ vùng miền nào khác. Bộ trang phục rực rỡ với khăn đội đầu, chân váy dệt, thêu hoa văn tỉ mỉ nhiều màu sắc, trong khi người Thái ở những nơi khác mặc trang phục một màu, chân váy đen, đội khăn piêu thêu thổ cẩm.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Thanh tại bản Na rất độc đáo và cầu kỳ, được trang trí vô cùng tinh xảo. Khăn đội đầu được làm từ vải bông mềm, màu đen, với hoa văn được thêu chạy dải hoặc theo các hình trám, vuông, chéo, cánh… đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, cam, tím... Áo cánh được may từ vải bông được nhuộm đen, mặc vừa sát người, dáng áo ngắn để có thể để lộ phần cạp váy được quấn khăn trắng. Áo có xẻ tà khoảng 5cm hai bên hông, trang trí thêm một chùm chỉ nhiều màu sắc. Phần vai cắt liền, tay áo có can thêm một đoạn vải xanh lá cây, áo của người già thì can vải màu trắng.
Không chỉ trang phục cầu kỳ, mà chăn, màn… của người Thái Thanh cũng được trang trí rất tỉ mỉ, được làm rất công phu, bởi vì đây là những món quà tặng quan trọng trong đám cưới.
Phổ biến nhất là chăn truyền thống với loại dệt hoa văn đen, trắng, được may ghép từ hai tấm vải dệt từ sợi bông trắng và đen, mỗi tấm dệt rộng khoảng 50-60cm và dài khoảng 150cm. Chăn có sợi ngang và dọc màu trắng, còn sợi đan hoa văn là màu đen. Chăn được may thêm viền từ 12 đến 15 cm chung quanh, lót mặt sau bằng vải trắng. Ngày nay, người ta còn sử dụng những loại sợi tổng hợp màu xanh, đỏ để dệt thay vì dệt từ sợi bông truyền thống.
Một loại chăn khác tương tự là chăn hoa văn nền đỏ, tương tự như chăn trắng đen nhưng thường dùng sợi đỏ để dệt nền.
Một loại chăn khá cầu kỳ và được sáng tạo tự do từ bàn tay người thợ dệt, là chăn hoa văn tự do. Chăn dệt hình hoa văn các loài động vật, mặt trời, hoa lá. Mỗi người thợ lại có cách sắp xếp sợi để tạo ra một loại hoa văn riêng, làm nên những bức tranh sinh động. Tùy theo từng khổ vải mà người ta dệt liên một tấm khổ rộng hoặc may ghép hai tấm khổ nhỏ hơn. Chăn không chỉ dùng để đắp mà còn để treo trang trí trong nhà. Chăn thêu các hoa văn hình con vật đặc biệt được dành tặng cho các đám cưới, đó là truyền thống của người Thái Thanh.
Màn truyền thống của người Thái được may từ vải bông dày nhuộm chà, một tấm vải dệt hoa văn trên nền đỏ được dùng để trang trí bên trên đỉnh mản.
Chị Lô Thị Mai cho biết, để có thể làm được thành thạo một bộ trang phục hoàn chỉnh từ khăn đội đầu đến váy, áo, phải học trong khoảng 1 năm rưỡi. Chiếc khăn đội đầu sau khi dệt xong, phải mất khoảng 2 ngày để thêu. Riêng vạt hoa văn trang trí hai bên tà áo của phụ nữ Thái Thanh cũng phải mất tới hơn 1 ngày. Phần chân váy là lâu nhất, phải mất khoảng hơn 3 tuần để hoàn thiện. Cách dệt rất cầu kỳ, phải chọn hoa văn, phải chọn từng sợi vải để dệt từng múi, có khi mất một ngày rưỡi mới xong một chiếc khăn đội đầu. Thường áo của đàn ông sẽ thêu các con vật liên quan đến công việc săn bắt hái lượm của mỗi người. Thí dụ như khăn hay áo của đàn ông sẽ thêu con vật để mong họ đi săn được nhiều, khăn áo của phụ nữ sẽ thêu hình con cua, cá để mong bắt được nhiều tôm cua cá ngoài suối…
Làm mất nhiều công sức và thời gian, cho nên hiện nay thanh niên ở bản Na cũng giống như nhiều vùng khác, thường lựa chọn các sản phẩm may mặc công nghiệp vừa hiện đại, vừa dễ mua, lại không quá đắt như các trang phục thủ công.
Hiện nay Craftlink đang phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An thực hiện dự án “Bảo tồn và gìn giữ nền văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Thanh thông qua việc khôi phục kỹ năng dệt vải truyền thống, đồng thời giúp cải thiện đời sống kinh tế bền vững cho người dân bản Na. Chị Lô Thị Mai và chị Lương Thị Giang là hai phụ nữ đại diện cho bản Na đến trình diễn nghệ thuật dệt vải của người Thái Thanh tại triển lãm Nghệ thuật dệt truyền thống của các dân tộc Thái Thanh, H'Mông và Châu Mạ.
Chị Lô Thị Mai cho biết, hiện tại ở bản chị đã thành lập hợp tác xã dệt may, bản thân chị cũng thường xuyên tham gia dạy nghề dệt cho người ở bản. Hiện tại đang có 5 học viên theo học nghề dệt vải tại nhà chị. “Chúng tôi được hỗ trợ khung cửi dệt, sợi vải, đầu ra cũng ổn định, cho nên cũng đã có nhiều người quay trở lại muốn học nghề dệt vải truyền thống. Nếu có được thu nhập ổn định, sản phẩm lại được yêu thích, tôi tin rằng nghề dệt truyền thống sẽ không thất truyền được”, chị nói.
Tuyết Loan