Non nước Việt Nam

Hành trình mới cho thổ cẩm làng Teng

Cập nhật: 09/02/2023 14:49:02
Số lần đọc: 689
Thời gian qua, thổ cẩm làng Teng của đồng bào H’rê được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước tiến cho việc giữ gìn, phát triển sản phẩm đặc thù này. Lớp trẻ ở làng Teng hôm nay cùng chung tay đưa thổ cẩm dân tộc mình vươn ra khu vực và thế giới.

Phối mầu cách tân thổ cẩm.

Đặc sắc thổ cẩm H’rê

Con đường nối từ QL1 lên xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bon bon xe chạy. Cách đường lớn vài trăm mét là khu bảo tồn làng Teng. Đây là nơi để dân làng tập trung làm việc, trưng bày các sản phẩm truyền thống. Các chị, các cô đang hoàn tất sản phẩm của từng người. Giữa mái nhà chung, các cô nhớ lại những bài dạy làm nghề dệt thổ cẩm từ thuở nhỏ đã được nghe.

Vài mươi năm trước, việc tạo nguyên liệu để dệt thổ cẩm rất kỳ công, từ khâu thu hoạch bông, dệt sợi vải rồi nhuộm mầu. Khi đó, người thợ tạo ra sợi bông mầu đen bằng cách nhuộm sợi bông trắng với đất bùn, mầu đỏ tạo bằng nước cây dủ dẻ trên rừng. Bởi vậy, điều đặc biệt của thổ cẩm truyền thống làng Teng là chỉ có ba mầu chính gồm trắng, đỏ và đen.

Bà Phạm Thị Gam, 45 tuổi cho biết: “Làm nghề đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn thấy công đoạn tạo hoa văn cho vải rất khó và cần tập trung cao. Nếu chỉ cần đi sai một sợi vải thì trật tự của họa tiết trên toàn bộ tấm thổ cẩm sẽ hỏng theo”. 27 năm gắn bó với nghề, bà Gam vẫn giữ những bài học được mẹ là cụ Phạm Thị Đú, 75 tuổi truyền lại. Vẫn bộ khung cửi dệt cũ kỹ theo năm tháng, những thớ vải ba mầu được tạo nên đan xen các chi tiết, hoa văn hình tượng riêng. Hiện nay, với sự phát triển của công nghiệp, sợi vải nhuộm mầu được tạo sẵn. Những người phụ nữ ở làng Teng thường chọn mua về để rút ngắn thời gian làm việc.

Tại xã Ba Thành, nghề dệt thổ cẩm từ trước đến nay được xem là công việc những lúc nông nhàn. Hiện tại, sau những tháng làm lúa nước, các gia đình vẫn duy trì việc dệt thổ cẩm để bán tăng thu nhập. Hầu hết các thành viên làm thổ cẩm ở làng Teng là những người lớn tuổi. Với lớp thanh niên sau này thì việc đưa sản phẩm lên mạng xã hội, trao đổi thông tin được làm tốt. Còn các mẹ, các bà sẽ gặp trở ngại nhiều hơn. Bởi vậy, thổ cẩm truyền thống làm ra chỉ được bán trực tiếp trong địa phương là chính.

Nâng tầm giá trị truyền thống

Ở làng Teng hiện đang có khoảng 20 thành viên tham gia dệt thổ cẩm thường xuyên. Đó là những người có tay nghề thành thạo, nắm rõ các đường nét, chi tiết truyền thống. Trong các gia đình, người lớn tuổi như cụ Phạm Thị Đú đóng vai trò như một người thầy, trực tiếp chỉ cho con cháu hoàn thiện, làm ra sản phẩm đi đúng với các giá trị của ông bà đời trước truyền lại.

Trong số những người trẻ, cô gái Phạm Thị Y Hòa, 31 tuổi là một thành viên nổi bật. Bắt đầu học may thổ cẩm từ năm 12 tuổi, từ những hướng dẫn của bà ngoại và mẹ, ngày đầu tiếp xúc với khung dệt, Hòa lúi húi cả ngày, vải dệt ra đều bị sai. Khó là vậy, đến năm 15 tuổi, cô đã làm thành công sản phẩm thổ cẩm đủ tiêu chuẩn để bán được.

Sau này, Hòa nhận thấy, thổ cẩm nếu chỉ làm theo lối truyền thống thì sẽ ít được chú ý. Có những người họ thích chỉ một phần trong sản phẩm là truyền thống, còn lại là kiểu mới lạ. Từ đó cô quyết định tự thiết kế kiểu cách tân cho sản phẩm. Là thổ cẩm H’rê cách tân nhưng hầu như các bước làm đều theo truyền thống, mẫu mã được sáng tạo thêm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với mẫu áo, váy thổ cẩm cách tân, thời gian để hoàn thiện sản phẩm từ ba đến bảy ngày, bao gồm phác họa mẫu, trao đổi chỉnh sửa theo ý khách hàng, dệt vải và may thành phẩm. Y Hòa cho hay đang ấp ủ việc mở rộng thêm nhiều kiểu dáng, đồ dùng hằng ngày có sự kết hợp thổ cẩm làng Teng.

Tháng 10/2021, sản phẩm thổ cẩm của làng Teng lần đầu tiên được giới thiệu ở Triển lãm Thế giới-EXPO 2020 diễn ra tại Dubai (UAE). Đó là dấu mốc quan trọng của Y Hòa. Cô nhớ lại: “Tháng 8/2021, thời điểm mà Vietnam Tourist liên hệ đặt hàng của mình. Lúc đó mình rất hào hứng khi sản phẩm của mình sẽ được ra với thế giới. Thời gian đó mình tạm hoãn các sản phẩm đang làm dở để tập trung cho đơn hàng đặc biệt này”. Chưa đầy một tuần, sản phẩm đã xong, lên đường sang Dubai và nhận được những phản hồi tích cực. Ngoài những mẫu thổ cẩm truyền thống như váy áo, khăn choàng…, Y Hòa kết hợp thổ cẩm trên mẫu áo dài, cà-vạt thổ cẩm. Trong đó, sản phẩm cà-vạt thổ cẩm dễ dàng phối với nhiều trang phục và còn được dùng làm quà tặng.

Hình ảnh lưỡi răng cưa, mái chóp ngôi nhà sàn… được những người thợ tái hiện trên khắp tấm thổ cẩm, đan xen đó là những đường kẻ mầu đỏ và đen. Với hình tượng khỏe mạnh, cường tráng của người đàn ông, thổ cẩm dành cho họ có hoa văn kích thước lớn, đường nét dứt khoát. Ngược lại, sự mềm mại, uyển chuyển là điểm nổi bật trên tấm thổ cẩm của chị em phụ nữ.

Bài và ảnh: Trường An

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 07/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT