An Giang: Thăng trầm nghề lụa Mỹ A
Thợ nhuộm đang vắt lụa lãnh Mỹ A.
Nằm bên dòng sông Tiền mênh mông, lụa lãnh Mỹ A theo dòng chảy xuôi đi các tỉnh thành, xuất khẩu qua Lào, Campuchia, Thái, Singapore… Đọc “Tân Châu xưa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kiềm mới thấy hết cái rực rỡ làng nghề: “Tân Châu từ trước đến nay được nổi tiếng khắp miền Nam, nơi trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt nhất là các xã Vĩnh Hòa, Tân An, Vĩnh Xương, Long Phú... Hàng danh tiếng ở Tân Châu là lãnh Mỹ A được tiêu thụ mạnh, có tất cả 60 nhà dệt lớn nhỏ, các hợp tác xã tầm tang, hợp tác xã công nghệ tơ lụa, học xưởng ươm tơ”.
Lãnh Mỹ A được trân quý, giá cao do ưu điểm để càng lâu càng lên màu bóng, hoa văn đẹp, màu sắc không phai, mùa nóng mặc mát lạnh, mùa đông ấm áp, chất liệu vải lụa bền không hút nước... Lãnh có 2 loại: Màu đen trơn và loại hoa bông. Để có tấm lụa đẹp, người thợ phải đem ủ nhuộm với mủ của trái mặc nưa mới lên màu đen huyền óng ả. Vào lúc cao điểm, Tân Châu tiêu thụ hơn 2.500 tấn mặc nưa. Thuở ấy, Tân Châu là xứ cù lao xa xôi, nên khoác lên người bộ lãnh Mỹ A là niềm mơ ước của nhiều thiếu nữ, quý bà miệt dưới Hậu Giang, Cửu Long. Nhà ai khá giả, khi cưới hỏi, quà tặng cho cô dâu và sui gia vùng xa là xấp lãnh Mỹ A thể hiện tình thân.
Nghe nhắc đến nghề xưa, ông Trần Văn Hào, 51 tuổi, quê Tân Châu đang sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh lại bồi hồi. Nhà ông ở xã Tân An. Như nhiều hộ khác, gia đình cũng làm nghề lụa và có khoảnh đất vườn rộng lớn trồng cây mặc nưa. Cây cho trái trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch. Trái có màu xanh đậm, nhỏ tròn như trái táo, khi vừa ngả sang vàng là lúc ủ mủ nhiều nhất nên phải hái, để trái chín vàng lượng mủ rất thấp.
Ông Hào còn nhớ, trái dùng để nhuộm lụa, ngoài ra không còn giá trị gì. Nó cũng kỳ lạ, bởi người ta dùng nhiều loại khác thay thế nhưng không thể lên màu đẹp bằng. Trái nhiều mủ, nên khi hái tay dính mủ đen xì. Nhiều người làm nghề nhuộm, dùng tay ngâm lụa vào nước mặc nưa hoài nên hai cánh tay đen thui, vài chục năm sau nó chỉ phai màu chứ không hết.
Lứa tuổi của ông Hào gắn liền với loài cây kỳ lạ này. Đó là những ngày đi chặt nhánh, nhặt trái mặc nưa lấy tiền mua kẹo; thiếu đạn bóng (bi) nên dùng trái mặc nưa thay đạn bắn. Hoa mặc nưa nhỏ, màu vàng rất đẹp, được xỏ xâu kết lại thành vòng chơi trò cô dâu chú rể…
Trái mặc nưa được đưa vào cối giã nát, lọc bỏ hột lấy mủ cho nước vào thành màu đen tuyền, rồi cho lụa trắng vào ngâm nhiều đợt. Thoắt cái đã mấy chục năm, ở quê nhà ông, những cây mặc nưa không còn, rồi cả một vùng rộng lớn thay đổi. Những bãi đất trồng dâu nuôi tằm lấy tơ biến mất, những vùng trồng cây mặc nưa nhường chỗ cho nhà cửa mọc lên, những bãi cỏ trải dài rộng thênh thang để phơi lụa nay thành khu dân cư, vườn tược...
Dù là “nữ hoàng tơ lụa” nhưng lãnh Mỹ A không thoát khỏi thăng trầm. Những máy đập lụa, máy dệt cải tiến liên tục, rồi việc giã tay trái mặc nưa tốn nhiều công sức nên chế máy giã. Năm 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận làng nghề tơ lụa Tân Châu là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; rồi các năm 2004, 2005, 2014, nhà tạo mẫu thiết kế thời trang Võ Việt Chung đưa lụa lãnh Mỹ A trình diễn thời trang quốc tế tại Malaysia, Đức, Mỹ.
Nhưng bấy nhiêu đó không kéo được làng nghề trở lại thời vàng son trước làn sóng lụa nước ngoài, quần áo may sẵn bán khắp nơi. Những tiếng máy dệt lách cách mất dần, thợ dệt và thợ nhuộm giỏi bỏ nghề, các cơ sở làm lụa thu hẹp. Từ một nơi nổi danh với kỹ nghệ tơ lụa nuôi ấm no bao nhiêu người nay chỉ còn vài hộ.
Khi tâm sự về lụa, chủ cơ sở dệt lụa Hồng Ngọc Lê Thị Kiều Hạnh cho biết, hơn 30 năm gắn với nghề, bà xem nó như máu thịt không dứt ra được. Để làm ra tấm lụa rất cực, nào là đem tấm lụa màu trắng ngâm vào nước mặc nưa cho từng thớ tơ ngấm màu đen rồi đem phơi nắng; nắng nóng phơi mau khô, còn trời mưa không phơi được. Nhưng trời đất cũng như trêu người, cây mặc nưa chỉ cho trái vào mùa mưa nên việc phơi lụa gian nan, đang nắng nhưng vừa đổ mưa phải cuốn lại mang vào trong rất tốn thời gian.
Cứ thế, trải qua gần 2 tháng trời với chuỗi công đoạn vất vả khép kín như phơi nắng, nhúng vào nước mặc nưa, đem xả... thì lụa mới lột xác, lên màu đen tuyền lấp lánh. Định hỏi bà Hạnh về tương lai nghề nhưng nhìn vào ánh mắt buồn vô hạn thì thấy câu hỏi dư thừa. Dù thị trường tiêu thụ hẹp dần, nhưng lãnh Mỹ A vẫn kiêu sa, giá “đỏng đảnh” so với các lụa khác. Rồi nguyên liệu trái mặc nưa làm ra lụa trứ danh không còn trồng nhiều, thợ giỏi bỏ nghề, gu thẩm mỹ của thế hệ sau cũng thay đổi… Bà Kiều Hạnh tâm sự, thì thôi, như kiếp con tằm nhả tơ, cứ tới đâu hay tới đó trong nỗ lực gìn giữ lãnh Mỹ A vang danh một thời...
Bài và ảnh: Thanh Dũng