Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Làng gốm cổ bên thung lũng K’ool

Cập nhật: 04/05/2024 15:52:46
Số lần đọc: 893
Giữa thung sâu có một cánh đồng ruộng bậc thang trải dài bên cạnh làng K’noonh, xã A Xan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Đó cũng là mỏ đất sét quý giá, nơi từng tồn tại một làng gốm cổ độc đáo và khác lạ so với những làng gốm khác: làng gốm K’noonh của người Cơ-tu…

Một góc trù phú của làng gốm cổ K’noonh bên dòng suối K’ol. Ảnh: Khánh Nguyên

Bên nong lúa phơi dưới nắng ấm vùng biên, dù chẳng nhớ nổi nghề làm gốm có từ bao giờ nhưng cụ Bhling Truốh vẫn có thể kể lại ký ức của làng gốm cổ một thời. Khi cụ “nhìn thấy mặt trời”, dân làng đã biết làm gốm. Nhỏ là những cái nồi đất, nồi nước, lớn hơn một chút là những chum đựng lúa, đựng thổ cẩm.

Cụ Bhling Truốh (ở giữa) truyền dạy cách làm gốm cổ cho cháu con trong làng. Ảnh: Khánh Nguyên

Dân làng K’noonh không sử dụng bàn xoay gốm. Đất sét được lấy từ rừng thông gần đó. Họ nặn từng chiếc nồi đất bằng cách đi vòng quanh. Nặn xong, người K’noonh dồn tất cả thành phẩm lại một chỗ, phủ gỗ thông lên và đốt. Cái nào lành, không nứt vỡ sẽ theo những người đàn ông, đàn bà rong ruổi khắp mọi miền để giao thương. “Thời còn khỏe, tôi gùi gốm đi khắp nơi, đổi lấy gạo, sắn, thổ cẩm, mã não. Chỉ có mỗi một làng này biết làm gốm và dùng gốm để đổi lấy những thứ mình cần” - cụ Truốh kể.

Người làng K’noonh chế tác rất nhiều loại gốm phục vụ sinh hoạt thường ngày của người Cơ-tu. Ảnh: Khánh Nguyên

Hiện nay, trong làng K’noonh hầu như không còn ai làm gốm. Chỉ còn nhà Gươl (nhà truyền thống) là nơi lưu giữ rất nhiều Một góc trù phú của làng gốm cổ K’noonh bên dòng suối K’ol Làng gốm cổ bên thung lũng K’ool đồ gốm, như nhắc nhớ về làng gốm cổ của một thời. Phấn lớn số đồ gốm trong đó là do chính tay cụ Truốh làm ra.

Ngoài những chiếc bình và niêu, từ xa xưa người Cơ-tu ở làng K’noonh đã biết chế tác chân kiềng bằng đất sét. Ảnh: Khánh Nguyên

Năm 2019, khoảng 10 người dân được huy động để khôi phục nghề làm gốm. Dưới sự chỉ dẫn của cụ Truốh và những người già, họ cũng làm được vài chiếc chum, bình. Nhấc thử những chiếc bình mới, rồi lại cầm những chiếc bình gốm cổ trong Gươl, chúng tôi thấy gốm cổ rất nhẹ. Chưa ai đủ kỹ năng để làm được những chiếc nồi gốm, bình gốm tinh xảo và nhẹ như cụ Truốh. “Dù cố gắng hết sức nhưng tôi vẫn không thể làm được những chiếc bình mỏng nhẹ nhưng chắc chắn như cụ Truốh làm. Làm gốm không hề đơn giản” - chị Zơrâm Thị Nhối, người làng K’noonh kể.

Sản phẩm gốm cổ, niềm tự hào của người làng K’noonh. Ảnh: Khánh Nguyên

Để duy trì những tinh hoa của nghệ nhân làng gốm, Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang đã tính toán xây dựng đề án phục dựng nghề làm gốm ở K’noonh. Cụ Truốh sẽ là người truyền dạy. Dù chưa ai phong cho cụ Truốh là “nghệ nhân” nhưng trong cái cười hiền, cụ chỉ ao ước cháu con giữ lấy nghề làm gốm, giữ lấy niềm tự hào một thời của người làng K’noonh.

Khánh Nguyên

 

Nguồn: Báo Dân tộc miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 29/04/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT