Hành trang lữ khách

“Ăn ong” ở rừng U Minh Hạ

Cập nhật: 17/05/2021 10:01:57
Số lần đọc: 788
Nghề gác kèo ong ở rừng quốc gia U Minh Hạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề truyền thống từ thuở các bậc tiền nhân khai hoang giờ đây trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách gần xa, với hành trình trải nghiệm “ăn ong”.

“Ăn ong” là cách nói của người dân địa phương về hành trình lấy mật ở tổ ong. Anh Phạm Duy Khanh, người dân sống ở U Minh Hạ và làm du lịch từ nghề gác kèo ong, cho biết: “Người thợ khi lấy mật ở tổ ong thường thưởng thức tại chỗ một phần mật và tàng ong non để thẩm định chất lượng mật cũng như tự thưởng cho mình. Bởi vì ăn ong ở trong rừng bao giờ cũng ngon hơn khi đem về nhà”. Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản Cà Mau, nổi tiếng với chất lượng khó nơi nào sánh được. Bởi lẽ chỉ có loài ong hút mật hoa tràm mới có thể cho loại mật màu vàng trong vắt thoang thoảng mùi hương hoa dịu nhẹ cùng vị ngọt tinh khiết. Đặc biệt, đàn ong chỉ về làm tổ khi rừng tràm được trồng gần gũi tự nhiên trên diện tích rộng, rậm rạp. Với những khu rừng tràm bạt ngàn xanh tốt quanh năm, rừng quốc gia U Minh Hạ là nơi trú ngụ lý tưởng của loài ong. Đặc biệt, vào thời điểm hoa tràm nở rộ, rất nhiều đàn ong mật bay về làm tổ. Nắm bắt được tập tính này, gia đình anh Phạm Duy Khanh đã trồng tràm trên diện tích 60ha, tạo được môi trường sống thu hút đàn ong về và gìn giữ nghề gác kèo ong.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, mùa “ăn ong” thường bắt đầu từ khoảng tháng 3 trở đi, thời điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng thích hợp để hoa tràm nở và ong làm mật. Trước thời điểm này khoảng vài tuần, người dân đã chuẩn bị gác kèo để ong làm tổ. Bộ kèo này thông thường được làm từ cây tràm, thân suông, có đường kính từ 10-15cm, lột sạch vỏ, khô ráo. Kèo được gác theo hình mái nhà và thích hợp đặt tại vị trí có ánh mặt trời chiếu len lỏi. Thời gian ong làm tổ từ khoảng 20-30 ngày. Sau đó, người dân sẽ thăm chừng và đi lấy mật vào thời điểm thích hợp khi tổ ong đã hình thành. Để lấy mật, người thợ phải mang theo bình phun khói hoặc đuốc con cúi bằng xơ dừa, quần áo dài tay, lưới trùm đầu, bao tay, dao và các dụng cụ chứa tổ ong và mật. Thông thường, người thợ dùng dao cắt, tách phần mật ra khỏi phần tàng, họ chừa lại khoảng 1/3 tàng để ong làm tổ mới. Anh Phạm Duy Khanh chia sẻ: “Tập quán của ong khi lớn lên sẽ tách đàn làm tổ mới, do đó nó sẽ tiếp tục cho mật. Một tổ như thế này, nếu khai thác tốt có thể lấy mật từ 3-4 lần”.

Sau khi cắt lấy tàng ong ra khỏi tổ thì vắt hoặc ép lấy mật. Mỗi tổ ong trung bình cho khoảng 3-5 lít mật, có tổ cho đến 10 lít. Vào mùa khô mật ong nhiều và chất lượng tốt hơn mùa mưa. Khi nghề gác kèo ong được khai thác thành sản phẩm du lịch, du khách sẽ được trải nghiệm hành trình vào rừng lấy mật cùng những người thợ địa phương. Hành trình này mang đến nhiều thú vị, không chỉ có cảm giác hồi hộp len lỏi qua những cánh rừng, đầm nước; mà du khách còn được thưởng thức mật ong tại chỗ. Ong non cũng được chế biến thành những món ăn độc đáo. Đó là gỏi ong non, bánh xèo nhưn ong non, cháo ong non, mắm ong non hay ong non chiên giòn. Đây là điểm đặc biệt chỉ có thể trải nghiệm trực tiếp tại rừng U Minh Hạ.

Gác kèo ong là nghề đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Từ đó hình thành một sản phẩm du lịch đang ngày càng thu hút nhiều du khách đến Cà Mau./.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục