Khám phá Giồng Nhãn ở Bạc Liêu
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu thu hút đông du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HỮU THỌ
Giồng Nhãn thuộc xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông của TP Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố chừng 10km, về hướng biển. Đây là vùng đất ven biển, giồng cát cao, thích hợp trồng nhãn nên hàng trăm năm trước, những vườn nhãn đã ngút ngàn, sum suê ở xứ sở này. Tên gọi Giồng Nhãn cũng có từ đó.
Vậy nên lẽ dĩ nhiên, đặc sản của Giồng Nhãn chính là nhãn, nhưng không phải nhãn thường mà là nhãn cổ. Hàng chục vườn nhãn cổ chạy dài Giồng Nhãn khiến du khách chìm vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Có những gốc nhãn tuổi đời lên đến hơn 200 năm vẫn đều đặn đơm hoa kết trái trên quê hương Dạ cổ hoài lang. Gốc nhãn lớn bằng ôm tay người lớn, hằn những dấu vết thời gian với hình thù thô nhám, uốn lượn thớ gỗ, nối tiếp nhau sẽ giúp du khách có được những bức ảnh đẹp mắt. Nhãn Bạc Liêu ngọt thanh, cơm giòn, mọng nước, rất thơm. Để khai thác tài nguyên văn hóa bản địa này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và triển khai Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch, tạo được chuyển biến tốt.
Cũng trên tuyến Giồng Nhãn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng “cụ xoài” gần 340 năm tuổi vẫn tốt tươi, mùa này đang cho trái. Cây xoài cao trên 15m, tán rộng trên 300m2, thân cây lên đến vòng tay 6 người ôm mới giáp. Cây xoài này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản Việt Nam” vào năm 2015 và công bố tuổi cây trên 334 năm. Các cụ cao niên ở xứ này cũng không biết cây xoài này có từ thời nào, do ai trồng, chỉ biết rằng đó là niềm tự hào và sẻ chia với du khách gần xa. Xung quanh cây xoài cổ còn có bao chuyện về thời khai hoang lập ấp, mở mang vùng đất Giồng Nhãn này, càng khiến du khách mê đắm.
Cách cây xoài cổ chừng vài trăm mét là chùa Xiêm Cán, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là ngôi cổ tự Khmer có tuổi đời trăm năm với kiến trúc tráng lệ, tôn nghiêm. Vùng đất này có sự giao thoa văn hóa của cộng đồng 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer nên tên gọi chùa Xiêm Cán trong tiếng Hoa có nghĩa “giáp nước”, vì địa thế chùa gần mé biển. Ngôi chùa này luôn là điểm đến ưu tiên của du khách khi về Bạc Liêu. Kiến trúc hoành tráng, cuốn hút hòa cùng không gian mát mẻ, rợp mát bóng cây xanh. Vừa khỏi đường chính, rẽ lối vào chùa, du khách đã bước qua những hàng cây che bóng, với chiếc cổng, những hình tượng kiến trúc của chùa Khmer cứ nối tiếp nhau dẫn lối nơi chốn bình yên.
Một điểm tham quan mới nhưng nổi tiếng gần xa trên cung đường Giồng Nhãn là cánh đồng điện gió Bạc Liêu, cách chùa Xiêm Cán không xa. Giữa biển trời mênh mông, những trụ tua-bin điện gió xoay đều như những chiếc chong chóng khổng lồ cuộn tròn trong không trung, trên là mây trắng, dưới là biển xanh. Du khách chỉ cần đứng vào cầu dẫn, nghiêng góc nào, tạo dáng nào cũng có hình đẹp, cứ như đứng ở châu Âu. “Thiên đường sống ảo” là cách mà giới trẻ hay gọi cánh đồng điện gió này.
Đi chơi thỏa thích thì nên ngồi lại và thưởng thức đặc sản Giồng Nhãn, đó chính là bánh xèo. Bánh xèo Giồng Nhãn nổi tiếng đến mức ai cũng phải ăn một lần cho biết. Cũng có người tự nhủ rằng “Bánh xèo thì nơi nào chẳng vậy” và họ đã tự thấy mình “sai quá sai” khi một lần thưởng thức đặc sản Giồng Nhãn. Da bánh xèo Giồng Nhãn dày hơn nhiều so với bánh xèo thông thường nhưng lại khá giòn. Thịt, tôm được trải đều lên da bánh chứ không tập trung vào phần nhân bánh như cách làm thường thấy. Nhân bánh xèo Giồng Nhãn còn được làm bằng hải sản tươi sống của xứ biển Bạc Liêu, lại thêm các loại rau đồng, rau vườn... hòa quyện cùng nước chấm với hương vị pha chế đặc trưng. Tất cả cuộn tròn, chấm nước chấm và nhẩn nha thưởng thức. Da bánh giòn, béo ngậy, ngọt ngào của hải sản, một chút chua - chát - đắng - nồng của rau và mặn - ngọt - chua - cay của nước chấm, tất cả làm nên một ngón mon mùi nhớ.
Chẳng cần đi xa và cũng không di chuyển quá nhiều, du khách đã có một ngày trải nghiệm đáng nhớ khi đi chơi Giồng Nhãn. Một lựa chọn cũng được nhiều người trải nghiệm là tranh thủ trong ngày để đi tham quan thêm hai điểm nữa cách Giồng Nhãn chỉ hơn chục phút chạy xe là viếng Mẹ Nam Hải (Quán Âm Phật Đài) và Khu lưu niệm Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.