Hoạt động của ngành

“Ðánh thức” hiện vật Champa ở Bình Định

Cập nhật: 12/05/2020 13:56:51
Số lần đọc: 1375
Cùng với tháp Champa, Bình Ðịnh còn giàu có về điêu khắc, phù điêu, lò gốm, tạo nên hệ thống hiện vật Champa có giá trị cao. Trong đó một số hiện vật đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Việc phát huy giá trị hệ thống hiện vật này không chỉ thể hiện tinh thần trân trọng di sản mà còn phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

 

Nếu nhận được nhiều điều thú vị ở Bảo tàng, có thể du khách sẽ yêu cầu được thăm các di tích Champa khác.

- Trong ảnh: Du khách thăm tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước).

 

Từ thế kỷ XI - XV, Bình Định là kinh đô Vijaya của vương triều Champapa. Do đó, trong giai đoạn này, Bình Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vương quốc Champa. Theo các nhà nghiên cứu, di tích, hiện vật Champa còn lại ở Bình Định phong phú về chất liệu, kích cỡ, hình dáng… hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

“Vàng ròng” của Bình Định

Ngoài 8 cụm tháp và 14 khối kiến trúc tháp Champa hầu hết tọa lạc trên những đỉnh đồi, tạo sự khác biệt với các nơi khác, Bình Định còn có 4 tòa thành cổ, gồm: Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì, và hàng loạt tác phẩm điêu khắc, phù điêu, gốm giá trị đã được tìm thấy. Ngày cảng Thị Nại còn là một cảng lớn của vương quốc, xuất hiện trên nhiều hải đồ, đây là nơi gốm Champa xuống tàu ra khơi đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải mật được hết những bí ẩn xung quanh gốm Champa. Bởi vậy, chỉ riêng những hiện vật gốm phát hiện được từ những cuộc khai quật khảo cổ học ở Bình Định đã tạo ra một sức thu hút lớn.

Không chỉ có gốm Champa, các phù điêu Champa cũng hết sức quý giá và hấp dẫn. Bảo tàng Bình Định hiện đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia cả 4 bảo vật là những phù điêu Champa, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, phù điêu thần Brahma, 2 bảo vật còn lại là cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn.

Nhắc đến giá trị và những thông tin thú vị liên quan đến hiện vật Champa tại Bình Định, ngoài khẳng định của các nhà nghiên cứu, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, chia sẻ thêm: Năm 2003, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma được Bảo tàng lịch sử Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn trưng bày tại triển lãm với chủ đề “Việt Nam quá khứ và hiện tại”. Theo nguyên tắc, thời điểm đó, 2 bức phù điêu đã được mua bảo hiểm với giá 200 nghìn USD/hiện vật trước khi lên đường sang châu Âu. Trước đó, không chỉ ở Việt Nam, các chuyên gia Áo, Bỉ đã thăm thú nhiều nơi trên cả nước, 2 bức phù điêu của Bình Định được ưu tiên hàng đầu. Kể những điều như trên để thấy nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa tại Bình Định vô cùng quý báu.


Đĩa men trắng thuộc gốm cổ Gò Sành.

Cần được phát huy

Để phát huy các hiện vật Champa, nhiều ý kiến cho rằng nếu chưa thể xây dựng 1 bảo tàng chuyên đề Champa riêng, thì tỉnh Bình Định nên dành cho các hiện vật này một không gian xứng đáng hơn. Và không gian này nên được bố trí tại tháp Đôi. Trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX, Kazimierz Kwiatkowski, chuyên gia người Ba Lan đến Việt Nam giúp trùng tu các tháp Champa, đã vài lần đề cập đến việc xây dựng bảo tàng Champa tại Bình Định, và có lẽ ông là người đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng Champa trong khuôn viên di tích Tháp Đôi. Sở dĩ chọn xây bảo tàng Champa tại Tháp Đôi vì theo Kazimierz Kwiatkowski, di tích tháp Champa ở giữa lòng thành phố như Quy Nhơn là một điểm vô cùng đặc biệt.

Đề xuất của Kazimierz Kwiatkowski được nhiều nhà khoa học hưởng ứng, đánh giá là khả thi bởi trước đó ông là người giúp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đánh thức tiềm năng của Hội An và được xem là công dân danh dự của Đà Nẵng. Năm 2019, khi về giảng dạy tại tỉnh Bình Định, GS Simon Milne - Giám đốc Viện nghiên cứu Du lịch New Zealand - cũng có đề xuất tương tự. Khi biết Kazimierz Kwiatkowski từng có ý tưởng như thế, giáo sư càng thêm tin rằng “bảo tàng Champa” sẽ đưa Quy Nhơn - Bình Định nhanh chóng xuất hiện tại danh mục các điểm đến quốc tế nổi tiếng.

TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, Hội viên Hội khảo cổ học Việt Nam, cho biết: “Hiện tại, Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật Champa quý giá, vì vậy việc “đánh thức” và phát huy giá trị những khối tài sản này là việc nên làm càng sớm càng tốt. Có thể tỉnh ta còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng không nên vì thế mà lần lữa thực hiện. Không cần phải đầu tư nhiều, tổ chức đồng loạt,  mà cái gì nổi trội, dễ phát huy thì ta làm trước. Có thể tổ chức các buổi triển lãm, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu cho người dân, du khách bằng nhiều phương tiện khác nhau để người ta biết Bảo tàng Bình Định có những hiện vật đặc sắc và những hoạt động thú vị đó”.

Nói về việc đem hiện vật Champa đến gần người dân và du khách, không ít ý kiến cho rằng nên kết hợp với các tour du lịch. Trong đó, bảo tàng là một điểm đến trong chuỗi hành trình. Nếu họ cảm thấy hài lòng, hấp dẫn tại bảo tàng, có khi chính du khách là người yêu cầu đến thăm các di tích Champa khác. Dù vậy, để các công ty du lịch mặn mà, điều cốt yếu vẫn là hành động của bảo tàng. Ông Đinh Bá Hòa hiến kế: Nhân viên bảo tàng, không chỉ thực hiện theo yêu cầu của du khách mà phải là người làm dịch vụ. Tôi đã đi đến nhiều bảo tàng, trước đó đã tự nhắc mình không mua bất cứ thứ gì, không sử dụng bất cứ dịch vụ nào. Nhưng các hướng dẫn viên, thuyết minh viên họ nói hay quá, thuyết phục quá, và tôi đã dốc túi ra mua rất nhiều quà lưu niệm, đặc biệt là các tập sách ảnh, các phiên bản thu nhỏ hiện vật… Nếu chịu thay đổi, không chỉ hiện vật được biết tới nhiều hơn, mà chính cán bộ, nhân viên bảo tàng cũng được hưởng lợi. Đó là chưa kể đến chuyện bảo tàng có thể từ từ đi đến việc tự nuôi chính mình. Do đó, chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ cực kỳ quan trọng, nên phải nghĩ đến việc đổi mới nhiều hơn nữa.   

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục