Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Khởi động trở lại các hoạt động du lịch

Cập nhật: 11/05/2020 08:41:25
Số lần đọc: 912
  Cho đến nay, cơ bản các di tích, danh thắng và khu, điểm du lịch trên phạm vi toàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Bên cạnh những khó khăn sau đợt nghỉ hoạt động dài ngày do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã có sự chỉnh trang, chuẩn bị sản phẩm mới để sẵn sàng phục vụ du khách…


Khách du lịch đến Quảng Ninh dịp này chủ yếu là khách đi lẻ theo nhóm bạn bè, gia đình, người thân. Ảnh: Du khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh trong dịp nghỉ lễ vừa qua.

Vào mùa du lịch hè

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh trong đợt nghỉ lễ vừa qua cũng như những ngày gần đây hầu như là khách đi lẻ theo nhóm bạn bè, gia đình, người thân từ các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận. Lượng khách còn khá ít nhưng các con số cho thấy có sự nhích dần lên. Các địa phương, doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị cho hoạt động trở lại để đón mùa du lịch hè năm nay.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho hay: Dịp này đã vào hè, lượng khách về Yên Tử cũng hạn chế nên đơn vị duy trì đội ngũ nhân viên vừa phải, chạy 1 hệ thống cáp treo, tương ứng 50% công suất cáp treo của doanh nghiệp. Tổng lượng khách tới tham quan Yên Tử trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 1 đến hết mùng 3/5) là hơn 1.000 khách. Đáng khích lệ là khu tĩnh dưỡng cao cấp Legacy Yên Tử khá hút khách với gần 200 phòng đã đón khách đến từ Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội...

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, đơn vị vẫn phối hợp duy trì đo thân nhiệt từ xa, đo tại chỗ, kê khai danh sách khách; cuối ngày vẫn phun khử trùng tại những điểm công cộng như ga, ca bin cáp treo…

Tiếp tục các giải pháp kích cầu du lịch, đơn vị giảm sâu giá vé cáp treo lên tới 50% cho tới 30/6 năm nay; giảm nhẹ giá phòng các khu làng hành hương và khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử. Cùng với đó, trau chuốt các sản phẩm đã có, làm thêm một số sản phẩm mới, như khu chăm sóc sức khỏe (dự kiến tháng 9 sẽ mở cửa), sản phẩm ẩm thực mới, sản phẩm thiền mang tính dưỡng sinh, hoàn thiện Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhà hát kiêm trung tâm chiếu phim để giữ chân khách.

Cùng với Yên Tử thì theo lãnh đạo Phòng VHTT TP Uông Bí, các điểm du lịch, các khu di tích, danh thắng khác trên địa bàn đều phun tiêu độc, khử trùng và vệ sinh toàn bộ khuôn viên để đón khách trở lại từ ngày 4/5.

Tương tự Uông Bí, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị sẵn sàng đón khách sau khi mở cửa trở lại, tuy nhiên mùa hội xuân đã qua, cộng với thời tiết nắng nóng khi vào hè nên khá vắng vẻ. Hút khách hơn cả thời điểm này là các điểm du lịch biển nhưng so với thời điểm chưa có dịch thì vẫn còn thưa thoáng.

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban thường trực BQL Vịnh Hạ Long, chia sẻ: Chúng tôi đã sớm bắt nhịp lại với guồng công việc khi mở cửa trở lại từ trưa 1/5, tuy vậy, ngày đầu tiên chúng tôi cũng chỉ huy động một nửa nhân lực vì số lượng khách ít. Từ hôm sau thì quân số đi làm như bình thường, khách cũng bắt đầu tăng lên. Việc đón khách vẫn trên tinh thần phòng chống dịch cao với khẩu trang, nước sát khuẩn, hướng dẫn cho khách theo quy trình của Bộ Y tế, tàu đón khách tham quan cũng chỉ chở 50% tải thôi…

Các bãi tắm Hạ Long và 2 bãi tắm du lịch trên địa bàn TP Cẩm Phả khá đông đúc do thời tiết nắng nóng. Ước riêng 2 bãi tắm của Cẩm Phả trong dịp nghỉ lễ vừa qua đón khoảng 3.000 khách. Người ra/vào được kiểm soát, đo thân nhiệt, thực hiện tốt các khâu cho người xuống bãi và phòng dịch.

Bà Vũ Thị Bích Thương, Phó Trưởng Phòng VHTT TP Cẩm Phả, cho biết: Chào đón mùa du lịch hè năm nay, bãi tắm Lương Ngọc đã đầu tư thêm 11,5 tỷ đồng cho cơ sở vật chất bãi tắm, khu tắm tráng, hệ thống đèn trang trí. Bãi tắm Quảng Hồng cũng đầu tư gần chục tỷ đổ thêm cát, cải tạo khuôn viên, nhà phục vụ khách...

Khu du lịch Vũng Đục riêng sang sửa trong hang mất gần 1 tỷ đồng, còn dưới bến, Công ty Hoàng Gia đã đầu tư thêm 1 tàu cao tốc phục vụ khách chạy tuyến Minh Châu - Quan Lạn và 1 thuyền buồm đưa khách tham quan vịnh Bái Tử Long với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng…

Cần kịch bản kích cầu mới


Việc đón khách tham quan Vịnh Hạ Long sau đợt nghỉ dài ngày do dịch Covid-19 đã bắt đầu trở lại từ ngày 1/5/2020.

Du lịch Quảng Ninh đã khởi động trở lại song tác động của dịch Covid-19 vẫn còn nặng nề. Như ở Đông Triều, khu du lịch làng quê Yên Đức với thị trường chính là dòng khách châu Âu, hiện đang bị tác động mạnh của dịch nên vẫn tạm dừng hoạt động. Quảng Ninh Gate cũng bắt đầu khởi động trở lại, nhưng theo ông Phạm Vũ Long, Giám đốc Khu du lịch Quảng Ninh Gate (Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà) phân tích thì năm nay dự đoán sẽ tương đối khó khăn với đơn vị.

Bởi lẽ, đối tượng khách chủ yếu của khu du lịch là các em học sinh tham gia trải nghiệm do các công ty lữ hành đưa đến. Do dịch bệnh nên việc nghỉ học kéo dài, kỳ nghỉ hè sẽ bị rút ngắn, thậm chí không còn, hơn nữa nhiều trường học hiện cũng không đưa hoạt động ngoại khóa vào kế hoạch của mình. Quảng Ninh Gate mất cơ bản nguồn khách này thì chỉ còn khách đi lẻ theo nhóm bạn bè, gia đình vào các dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ, khi có sự kiện… nên sẽ tác động mạnh tới doanh thu du lịch.

Đơn vị bên cạnh việc nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục thì hiện đang đầu tư 3 hạng mục mới. Tuy nhiên, việc triển khai cũng còn phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của ngân hàng, dự kiến đến cuối năm mới có thể hoàn thành, đưa vào phục vụ du khách.

Ông Long bày tỏ: Giai đoạn này, doanh nghiệp du lịch rất cần có sự ủng hộ về chiến lược truyền thông của tỉnh để hồi phục sau dịch. Dòng khách nội địa, nhất là khách nội tỉnh là rất quan trọng với chúng tôi thời điểm này. Như với Quảng Ninh Gate chỉ cần một phần số dân trên địa bàn Đông Triều tới với khu du lịch thì cũng là rất đáng quý rồi.

Chia sẻ về những khó khăn khi làm du lịch thời điểm này, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cũng thể hiện sự quan ngại: Điểm đến vẫn sẵn sàng từ phòng ốc, nhà hàng, dịch vụ cáp treo…, đơn vị cũng vẫn giữ kết nối với các hãng lữ hành nhưng khách do lữ hành đưa đến chưa có.

Để đạt con số 250 nghìn khách Hàn Quốc tới Yên Tử một năm như trước dịch thì dự kiến mất khoảng 2 đến 3 năm, vì ảnh hưởng của dịch vẫn còn, rồi suy thoái kinh tế.Còn không thì dòng khách nào thay thế cho dòng khách đó, lại mất công khai phá thị trường mới, cũng cần có thời gian. Đơn vị vẫn hướng tới thị trường khách Trung, Hàn, Nhật chứ khách châu Âu thì còn lâu hơn nữa.

Riêng giai đoạn này thì chỉ hy vọng khách nội địa với dư địa vẫn còn nhiều, chỉ cần 5% khách nội địa đến Yên Tử cũng đã là tuyệt vời lắm rồi. Chúng tôi cũng hy vọng có thể đẩy mạnh kết nối du lịch tuyến Vân Đồn - Hạ Long - Yên Tử thành một chuỗi…

Tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp, đơn vị, thúc đẩy phát triển du lịch thời gian tới, các đại biểu tham gia cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy vào ngày 4/5 vừa qua đều cho rằng cần có một kịch bản kích cầu mới, với các biện pháp cụ thể, chi tiết, vừa đảm bảo hoạt động đón khách, vừa giữ được sự an toàn.

Việc ưu tiên khai thác thị trường du lịch nội địa là hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó là các chương trình khuyến mại, giảm giá, ưu đãi với chiến dịch truyền thông hiệu quả là điều kiện quan trọng để du lịch Quảng Ninh sớm phục hồi… Những điều này đã được tỉnh xác định trong kịch bản phát triển du lịch xây dựng vào trung tuần tháng 4 vừa qua.

Để thu hút du khách, trong tháng 5 này, du khách trong nước đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn sẽ được miễn phí vé tham quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử. Và từ 1/6, tỉnh sẽ tiếp tục có những chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu du lịch. HĐND tỉnh sẽ sớm cho chủ trương nối dài tuyến xe bus miễn phí từ Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đến Hạ Long và Yên Tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

Để tạo hiệu ứng truyền thông bằng sự kiện, Quảng Ninh cũng dự kiến sẽ xem xét, đề xuất việc tổ chức Carnaval Hạ Long với quy mô, hình thức phù hợp trong bối cảnh dịch nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn vào dịp 19/5, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chỉ đạo tại cuộc họp vừa kể trên, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, cùng với nhiệm vụ đảm bảo du lịch an toàn thời dịch, ngành du lịch và các địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tổ chức các hoạt động thu hút du lịch phù hợp, đảm bảo tốt môi trường kinh doanh du lịch.

Sở Du lịch cần tăng cường xúc tiến du lịch, tổ chức các tuyến tham quan du lịch nội địa theo hướng mở các đường bay để khai thác tối đa sân bay quốc tế Vân Đồn. Từng bước phục hồi thị trường du lịch Đông Bắc Á ở các khu vực an toàn. Cần xây dựng ngay một chiến dịch truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn tới du khách...

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục