Hoạt động của ngành

Xây dựng Vườn Quốc gia Pù Mát thành Vườn di sản ASEAN trong năm 2020

Cập nhật: 08/05/2020 09:01:29
Số lần đọc: 810
Làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị BQL xây dựng Vườn Quốc gia Pù Mát thành Vườn di sản ASEAN trong năm 2020, phấn đấu đến năm 2025 được đưa vào danh lục xanh của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới.

Chiều 5/5, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) Vườn Quốc gia Pù Mát để nghe kết quả thực hiện nhiệm vụ, cũng như đưa ra những vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Phú Hương

Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, có 61 km đường biên giới giáp Lào và được chia thành 3 phân khu là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ - hành chính. Trên 93.000 người sống trong và xung quanh vùng đệm của vườn.

Vườn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, ổn định hệ sinh thái đầu nguồn và bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm không chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới, nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ IUCN; được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia, quốc tế. 

Với nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng đại diện cho hệ sinh thái rừng trên núi đất khu vực Bắc Trường Sơn, BQL Vườn đã bảo vệ toàn vẹn và bền vững gần 95.000 ha rừng đặc dụng được giao.

Lãnh đạo BQL Vườn Quốc gia Pù Mát thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ gần 95.000 ha rừng đặc dụng. Ảnh: Phú Hương

Trong 3 năm qua đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác gỗ vì mục đích thương mại; tình hình đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sinh cơ bản được khống chế; chấm dứt tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Việc hợp tác bảo tồn liên biên giới với Lào trong bảo tồn đa dạng sinh học cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.

BQL Vườn cũng đã phối hợp triển khai các đề tài khoa học công nghệ; điều tra, giám sát động vật hoang dã; quản lý tốt kho tiêu bản với giá trị nghiên cứu rất cao; tiếp nhận cứu hộ hàng trăm cá thể động vật hoang dã…

 
Tại buổi làm việc, bên cạnh ghi nhận những thành tích đã đạt được, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu BQL Vườn phải tập trung nghiên cứu, quy hoạch lại các phân khu chức năng phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, phát triển sinh kế cho đồng bào các dân tộc sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường hợp tác trong bảo tồn sinh học...

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã - Vườn Quốc gia Pù Mát tiến hành thả động vật do các Hạt Kiểm lâm trong tỉnh và Hạt kiểm lâm Pù Mát bàn giao. Ảnh: Tư liệu

Hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng; tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Ngăn chặn triệt để việc phá rừng, khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và săn bắt động vật hoang dã, động vật thủy sinh. Tạo môi trường sống an toàn để tái thả các loài động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Có kế hoạch mở rộng Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và thực hiện chương trình sinh sản bảo tồn các loài quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ trong chương trình bảo tồn quốc gia. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị BQL Vườn nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh một số vấn đề như: Xây dựng hoàn thiện hồ sơ Vườn di sản ASEAN để trình Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học thẩm định phê duyệt trong năm 2020; xây dựng chương trình hợp tác liên biên giới Lào để hình thành hành lang đa dạng sinh học liên biên giới đầu tiên ở Nghệ An. Phấn đấu đến năm 2025, Vườn Quốc gia Pù Mát được đưa vào danh lục xanh  của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới.

Phú Hương

 

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục