Nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Hà Giang
Nhiều homestay ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) được đầu tư, thu hút du khách đến nghỉ dưỡng.
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá hình ảnh, các sản phẩm du lịch,... tỉnh ta đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Các LVHDLCĐ đã và đang từng bước hoạt động hiệu quả, công tác bảo tồn các giá trị VHTT và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch được coi trọng, nhiều nét đẹp VHTT được phục hồi bản sắc gốc; nhiều sản phẩm du lịch được khách ưa chuộng... Bên cạnh đó, hoạt động của các LVHDLCĐ còn góp phần phát triển kinh tế, cải thiện môi trường tự nhiên, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; nhiều sản phẩm du lịch được khai thác hiệu quả, như: Biểu diễn văn nghệ dân gian, tuor đạp xe, leo núi, đi bộ, du lịch sinh thái gắn với tham quan các mô hình sản xuất, tham quan làng, bản,… tạo được việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch đạt từ 50 - 70 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, một số LVHDLCĐ hoạt động chưa hiệu quả, phát triển du lịch thiếu định hướng. Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Một số văn hóa vật thể và phi vật thể đang có nguy cơ mất dần. Công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy VHTT chưa thường xuyên. Hoạt động quảng bá về văn hóa, tiềm năng du lịch còn hạn chế; nhân dân tham gia vào hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún… Từ đó, việc xây dựng Đề án “Bảo tồn VHTT và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các LVHDLCĐ trên địa bàn tỉnh” là cần thiết.
Theo đó, đề án sẽ được thực hiện tại 16 LVHDLCĐ, bao gồm: Khuổi My, Hạ Thành (TPHG); Tân Sơn (Bắc Quang); thôn Chì (Quang Bình); Thanh Sơn (Vị Xuyên); Nậm Hồng, Na Léng (Hoàng Su Phì); Nà Ràng (Xín Mần); Phiêng Luông (Bắc Mê); Nặm Đăm, Nậm Lương (Quản Bạ); Cốc Pảng (Yên Minh); Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn); Tát Ngà, Sảng Pả A (Mèo Vạc). 16 LVHDLCĐ trên có 1.600 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, La Chí… Số người trong độ tuổi lao động chiếm 2/3 dân số, đây là nguồn nhân lực góp phần bảo tồn VHTT cũng như xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách.
Mục tiêu của đề án là xây dựng các LVHDLCĐ thành các trung tâm bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị VHTT của các dân tộc. Tôn vinh các giá trị VHTT tốt đẹp, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đạt hiệu quả kinh tế và xã hội… Những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề án đưa ra, gồm: Tổ chức khảo sát, đánh giá lập danh mục đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các LVHDLCĐ đảm bảo phù hợp, sát với thực tế; tăng cường công tác tuyên truyền VHTT và xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách bảo tồn VHTT, nâng cao chất lượng dịch vụ; huy động xã hội, cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy VHTT và các giá trị liên quan đến du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa và du lịch; xây dựng sản phẩm, hàng hóa phục vụ du lịch…
Việc triển khai đề án sẽ đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị VHTT của đồng bào các dân tộc; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang với du khách trong nước và quốc tế./.