Hoạt động của ngành

Điện Biên: Hướng tới đưa sản phẩm du lịch vào OCOP

Cập nhật: 08/05/2020 08:36:53
Số lần đọc: 832
Ðiện Biên là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, đó là điều kiện để tạo ra các sản phẩm du lịch tiềm năng. Và với nền tảng về những giá trị văn hóa, lịch sử giàu bản sắc dân tộc kết hợp, du lịch Ðiện Biên ngày càng thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách. Vì vậy, hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang hướng đến việc đưa các sản phẩm du lịch vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của các địa phương trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tuyên truyền cho người dân bản Che Căn, xã Mường Phăng về phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP.

Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn để đưa các sản phẩm du lịch đủ điều kiện theo Chương trình OCOP, vừa qua Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến bộ tiêu chí của Chương trình OCOP về phát triển dịch vụ du lịch nông thôn cho cộng đồng bản Che Căn, xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ).

Có mặt tại đây, anh Lò Văn Ðức, chủ Homestay Phương Ðức, xã Mường Phăng cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cũng chưa hiểu hết về Chương trình OCOP nhưng được đơn vị chuyên môn phổ biến, hướng dẫn chi tiết, bà con đã hiểu mình cần phải làm gì để du lịch cộng đồng sớm trở thành sản phẩm OCOP. Từ những việc làm cụ thể như xây dựng quy ước của cộng đồng về việc tiếp đón du khách sao cho thật văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ hay cả việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, khai thác gỗ trái phép làm nhà… cũng được phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, Homestay Phương Ðức đang dần chuẩn hóa, hoàn thiện về quy chế, quy định với du khách và cộng đồng trong quá trình làm du lịch; các tiêu chí về môi trường nông thôn… Dù còn nhiều khó khăn, song để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước, Homestay sẽ nỗ lực hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí để khai thác sản phẩm du lịch ngày càng bài bản hơn”.

Mục tiêu hướng đến việc đưa các sản phẩm du lịch vào Chương trình OCOP, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đang tập trung hướng dẫn cho 2 đơn vị là Homestay Mường Then, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) và homestay Phương Ðức, xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình OCOP. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay cả 2 homestay này đều là những cơ sở du lịch cộng đồng được đầu tư, xây dựng bài bản, đảm bảo các điều kiện hoạt động, đón tiếp du khách. Tuy nhiên, để đáp ứng theo các tiêu chuẩn của OCOP, các homestay cần tập trung hoàn thiện thêm các tiêu chí đảm bảo về tính cộng đồng, môi trường...

Ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho biết: Hiện nay, ngoài các sản phẩm nông nghiệp, Chương trình OCOP còn tập trung phát triển về dịch vụ du lịch nông thôn. Và tỉnh ta có nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch có thể đáp ứng các tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí của Chương trình OCOP. Trước mắt, đơn vị đã tham mưu với Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh xây dựng 2 mô hình homestay sẵn có là Homestay Mường Then và Homestay Phương Ðức để phát triển thành sản phẩm OCOP. Ðến nay, 2 sản phẩm này đã cơ bản đạt yêu cầu, song cần khắc phục một số nội dung. Ðối với Homestay Mường Then cần nâng cấp hoàn thiện để tăng tính cộng đồng; cần đầu tư thêm các yếu tố đảm bảo về môi trường... Còn Homestay Phương Ðức cần cụ thể hóa các bộ quy tắc ứng xử đối với du khách và người làm du lịch trong cộng đồng... Vì mới triển khai nên các chủ thể, cộng đồng và doanh nghiệp tham gia sản phẩm OCOP chưa thực sự hiểu hết về chương trình, khiến quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Ðể các sản phẩm du lịch sớm được công nhận là sản phẩm OCOP, 2 năm trở lại đây, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn đến các chủ thể, cộng đồng và doanh nghiệp để họ sớm hoàn thiện các tiêu chí. Ngoài ra, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tập trung tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về sản phẩm thủ công trang trí; nhằm thu hút du khách khi đến với các điểm du lịch, góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ðể làm được điều đó, đơn vị sẽ tổ chức một loạt các chương trình hướng dẫn cụ thể cho bà con, từ việc tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu du khách, vừa đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiến hành xác định thêm các sản phẩm có thể phát triển để đưa vào sản phẩm OCOP; sau đó hướng dẫn, trao đổi khó khăn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ cho các chủ thể, cộng đồng. Tổ chức tập huấn và huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân để sớm đưa sản phẩm du lịch trở thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, hiện nay, đơn vị còn thực hiện việc tuyên truyền các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các điểm di tích thông qua hệ thống biển, bảng quảng cáo ở khu vực: Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đồi A1, hầm Ðờ-cát...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cũng nhận định: Khi các sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực; trong đó ý thức của các hộ gia đình, cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, việc sử dụng nguồn năng lượng và xây dựng mối quan hệ cộng đồng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch sẽ rộng rãi và được nhiều du khách biết đến hơn… Ðể phát huy tốt thế mạnh đó, trước tiên, đơn vị sẽ phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch quan tâm làm tốt các sản phẩm hiện có, chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP theo đúng quy trình. Qua đó nhằm giữ gìn, phát huy thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm du lịch, nâng cao vai trò của các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp để gắn phát triển du lịch với Chương trình OCOP nhằm mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân.

Việc hướng tới đưa sản phẩm du lịch vào Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, thời gian tới, mỗi người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và các cơ quan chức năng cần tích cực triển khai, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch để sớm đưa du lịch trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Quang Hưng

 

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục