Áp dụng các nền tảng số dùng chung để tạo dữ liệu lớn, hiện đại hoá đào tạo nghề du lịch
Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc dự và điều hành hội thảo (Ảnh: Trường Cao đẳng Du lịch Huế)
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế Phạm Bá Hùng cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và mang tính cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ không chỉ tạo ra những thay đổi trong cách thức quản lý và vận hành kinh doanh trong ngành du lịch mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch để đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động chất lượng trong kỷ nguyên số.
Theo ông Phạm Bá Hùng, chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện để học viên tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng mới mẻ, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một hệ thống giáo dục linh hoạt, hiện đại và tiên tiến, có khả năng tích hợp các công cụ số và công nghệ mới vào quy trình đào tạo, từ đó tạo ra môi trường giảng dạy tích hợp, linh hoạt và tính tương tác cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch cũng đặt ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cùng với sự cam kết từ phía các cơ sở đào tạo và Chính phủ. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực sư phạm để giảng dạy trong môi trường số cũng là một thách thức, đòi hỏi phải có chương trình đào tạo giáo viên chuyên nghiệp và bài bản.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa chia sẻ về tổng quan chuyển đổi số trong du lịch (Ảnh: toquoc.vn)
Ông Hoàng Quốc Hoà, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo. Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất cụ thể về nội dung chuyển đổi số trong du lịch. Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững” đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách, bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; phát triển trang mạng du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, thẻ Việt - thẻ du lịch thông minh phục vụ khách du lịch; phát triển nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”.
Tại Công điện số 06/CĐ-TTg về “Nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững”. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương phổ biến và triển khai Nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê du lịch; tổ chức kết nối, cập nhật đầy đủ, kịp thời, thông suốt dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Đặc biệt, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, tránh tình trạng manh mún, lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.
Có thể thấy ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, chuyển đổi số du lịch là một nội dung quan trọng.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: toquoc.vn)
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng nền móng cho hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành du lịch, gồm có các nền tảng dùng chung như: Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh; Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin du lịch cũng đã phát triển một số sản phẩm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch như: Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide).
Bên cạnh phát triển những sản phẩm số cốt lõi, ông Hoàng Quốc Hòa cũng cho biết, Trung tâm Thông tin du lịch đã và đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam như vietnamtourism.gov.vn (kênh truyền thông chính sách); vietnam.travel (kênh quảng bá du lịch quốc tế); và các ttrang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Youtube, Instagram…
Để thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như đã nêu ở trên, ông Hoàng Quốc Hoà đề nghị ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương cần nghiên cứu áp dụng tối đa hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để tối ưu hóa nguồn lực, tạo sự đồng bộ về dữ liệu, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… cập nhật, chia sẻ nhiều thông tin về các chủ đề đa dạng như: ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch; đào tạo và nghiên cứu du lịch trong bối cảnh đổi mới và sáng tạo phục vụ phát triển du lịch toàn diện và bền vững; đào tạo gắn với xu hướng phát triển của các vị trí nghề nghiệp mới trong ngành du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về đào tạo nghề du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh và quản lý học sinh, sinh viên; thiết kế, xây dựng và quản lý các chương trình đào tạo trên nền tảng số; nâng cao kỹ năng trải nghiệm của người học dựa trên công nghệ số; kinh nghiệm chuyển đổi số trong quản lý doanh nghiệp du lịch; xu hướng, kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp của một số cơ sở đào tạo trên thế giới…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là xu thế tất yếu, trong vài năm qua, hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch diễn ra sôi nổi với việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, thực tế tăng cường… trong số hoá, quảng bá điểm đến. Dữ liệu sẽ sinh theo thời gian thực trong quá trình vận hành thông qua các công cụ số, nền tảng số. Để tiết kiệm nguồn lực, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho rằng cần hình thành và áp dụng các nền tảng dùng chung. Trên đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các giảng viên, sinh viên… và tạo ra dữ liệu lớn theo thời gian thực “đúng, đủ, sạch, sống”.
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã xây dựng hệ thống các nền tảng dùng chung trong ngành du lịch. Các cơ sở đào tạo du lịch có thể nghiên cứu áp dụng các nền tảng số này, kết hợp với những công cụ số cần thiết khác của các doanh nghiệp để hiện đại hoá quy trình đào tạo, quản lý, báo cáo thống kê, xây dựng bài giảng, học tập… qua đó mang lại sự thuận tiện cho cả nhà quản lý, đội ngũ giảng viên và các sinh viên.
Trung tâm Thông tin du lịch