Tin tức - Sự kiện

Bắc Ninh triển khai Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, hưởng ứng "Năm xây dựng môi trường văn hoá cơ sở"

Cập nhật: 24/10/2022 14:45:59
Số lần đọc: 629
Sáng nay 23/10 tại TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 138 điểm cầu trên địa bàn.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc có Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn hoá…

Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

Về phía tỉnh Bắc Ninh có Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Anh Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang; lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh; các Sở, ban, ngành…

Phát huy giá trị mạch nguồn văn hoá Kinh Bắc

Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 71- NQ/TƯ ngày 29.8.2022 (Nghị quyết 71) của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XX về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 71 của Bắc Ninh trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt với đặc thù là sự đậm đặc các yếu tố, giá trị văn hóa, con người truyền thống, cũng như nhiều nét riêng có của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đại biểu tại Hội nghị

Nghị quyết 71 nêu rõ, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã đạt được nhiều  thành tựu nổi  bật, trong đó sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người trên địa bàn được quan tâm. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hoá, con người đối với sự phát triển có nhiều chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh còn bộc lộ một số hạn chế. Sự phát triển văn hoá, con người chưa đồng bộ, chưa ngang tầm với vai trò và tương xứng với tăng trưởng kinh tế; chưa phát huy tối đa lợi thế nguồn lực văn hoá, con người trong phát triển đô thị, kinh tế- xã hội của tỉnh. Việc khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị các di sản văn hoá vào việc phát triển du lịch, dịch vụ, môi trường văn hoá ở một số nơi chưa lành mạnh. Hệ thống thiết chế văn hoá thể thao, khu vui chơi giải trí ở cơ sở chưa đồng bộ, đặc biệt là trong các khu công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư; việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ văn hoá còn chậm; chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật chưa cao…

Những hạn chế chủ yếu là do phát triển văn hoá Bắc Ninh chưa có định hướng lớn đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hoá. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người đối với phát triển bền vững. Công tác quản lý Nhà nước về văn hoá có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa khai thác tốt các giá trị văn hoá, tạo không gian cho văn hoá phát triển. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người chưa đồng bộ. Nguồn kinh phí đầu tư cho văn hoá chưa cao, dàn trải, chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ…

Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại Hội nghị

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm, 16 mục tiêu cụ thể, 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển văn hoá Bắc Ninh- Kinh Bắc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội; phát triển đô thị hiện đại, bền vững; phát triển kinh tế - xã hội luôn song hành với sự phát triển văn hoá.

“Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thu hẹp về khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh. Xây dựng môi trường văn hoá trong từng gia đình, địa phương, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…”, Nghị quyết nêu.

Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo

Nhiều ý kiến, tham luận đã được gửi đến và trình bày tại Hội nghị như: Để văn hoá, con người Bắc Ninh thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh; Để văn hoá là động lực cho kinh tế Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững; Tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hoá theo hướng bền vững; Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 71; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị phát triển nhanh và bền vững; Đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hoá góp phần xây dựng nông thôn mới; Vai trò, trách nhiệm của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh trong việc nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm VHNT trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững… theo như tinh thần Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và hưởng ứng chủ đề năm công tác 2022 của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch là "Năm xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và công tác cán bộ"...

Tạo phát triển đột phá

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, Hội nghị Văn hoá tỉnh Bắc Ninh là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, cho thấy quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021. Diễn đàn hôm nay càng thêm phần ý nghĩa khi Bắc Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn tỉnh nhằm triển khai và cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hoá.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, để đạt được những kết quả quan trọng, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp thì cội nguồn sâu xa chính là từ sức mạnh nền tảng của văn hoá tinh thần và con người Bắc Ninh. Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá, con người trong phát triển bền vững, thời gian qua, Bắc Ninh đã chú trọng và có những chủ trương, chính sách cụ thể. Tỉnh uỷ đã sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được kế thừa, phát huy…

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, chỉ rõ những khó khăn, thách thức. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển văn hoá, con người hằng năm còn thấp so với đầu tư phát triển kinh tế. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá  còn thiếu đồng bộ và cần thêm nhiều giải pháp căn cơ. Việc xử lý mối quan hệ giữa bảo vệ, giữ gìn và khai thác giá trị di sản chưa thực sự hài hoà, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực này trong phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hoá, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững. Cần tiếp tục đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng và 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn, sâu sắc và toàn diện nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị văn hoá toàn quốc vừa qua.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung quán triệt, triển khai Nghị quyết số 71- NQ/TƯ ngày 29.8.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XX về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong thời kỳ mới. Thứ ba, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý văn hoá, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hoá theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả. Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành văn hoá, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Thứ năm, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hoá, xây dựng Bắc Ninh thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hoá quốc tế

Đề nghị Bắc  Ninh chú trọng, quan tâm hơn nữa đến xây dựng văn hoá - con người bằng việc làm, hành động cụ thể, theo Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, xây dựng văn hoá, môi trường văn hoá gắn với phát triển con người là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức; cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nhưng phải kiên trì, bền bỉ, không nóng vội, chủ quan. “Cần cố gắng nhiều hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh trong thời gian tới, góp phần tạo dựng đời sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển bền vững, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc TƯ theo hướng văn minh, hiện đại”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.

Trân trọng cảm ơn  những ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những ý kiến chỉ đạo sẽ được tỉnh Bắc Ninh cụ thể hóa, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2022 là một dịp quan trọng đối với những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh; quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là quan điểm tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29.8.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng và phát triển con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương.

“Mong rằng sau Hội nghị hôm nay, với những lợi thế về lịch sử, truyền thống, chiều sâu của nền tảng văn hóa cùng những phẩm chất đặc trưng con người Kinh Bắc, sự nghiệp văn hóa, con người Bắc Ninh sẽ phát triển toàn diện hơn; trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc TƯ…”, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh phát biểu.

Phương Anh; ảnh: Ngọc Thảo - Báo Văn hóa - Đăng ngày 23/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT