Khai thác nguồn nguyên liệu hoa quả của Gia Lai cho hoạt động du lịch
Gia Lai là một địa phương có diện tích trái cây lớn với nhiều loại hoa quả có giá trị kinh tế cao. Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả năm 2022 ước đạt khoảng 28.758 ha; giai đoạn 2019 - 2022 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,75%/ năm. Sản lượng cây ăn quả năm 2022 ước đạt 431.120 tấn; giai đoạn 2019 - 2022 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 48,02%/ năm. Sản xuất cây ăn quả đã có những tiến bộ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ như tưới tiết kiệm nước, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao với một số loại hoa quả: sầu riêng, chuối, chanh dây, xoài, mít, thanh long, dứa, bưởi, cam, nhãn… tập trung ở một số địa phương như: Chư Prông, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Păh, Mang Yang, Kbang và thành phố Pleiku. Đây là nguồn tiềm năng rất lớn cho việc kết hợp phát triển du lịch nông thôn, trong khi đó loại hình du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả này chưa được hình thành và phát triển ở Gia Lai. Phát triển loại hình du lịch này cũng là một phần trong việc thực hiện nhiệm vụ “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022.
Hội thảo (tổ chức ngày 20 tháng 7 năm 2022) của đề tài khoa học cấp tỉnh Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch ở tỉnh Gia Lai do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) chủ trì, trong đó đề xuất giải pháp khai thác mô hình trải nghiệm đồ uống hoa quả của Gia Lai cho hoạt động trải nghiệm ẩm thực du lịch. Tại hội nghị này, Ông Nguyễn Tấn Thành (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai) đã nhận định: Với đề xuất mô hình trải nghiệm đồ uống (hoa quả) phục vụ du lịch của nhóm nghiên cứu VIRI là có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế địa phương cũng như khả năng hứa hẹn phát triển ẩm thực du lịch ngày càng phong phú và đa dạng hơn về sản phẩm và chất lượng.
Để chương trình trải nghiệm vườn cây ăn trái thành sản phẩm du lịch thật sự thu hút khách cần đa dạng các dịch vụ bổ sung phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí cho du khách. Cần xây dựng chuỗi hoạt động liên quan, kết nối với điểm trải nghiệm lân cận để hình thành một chương trình phong phú, hấp dẫn khách du lịch. Trước hết, địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ hạ tầng thuận tiện cho khách di chuyển, vì thường những điểm này xa khu vực trung tâm; tổ chức các hội chợ, triển lãm, các đoàn khảo sát doanh nghiệp du lịch giới thiệu về sản phẩm du lịch trải nghiệm hoa quả để hỗ trợ nguồn khách ổn định cho người dân tham gia hoạt động du lịch này. Bên cạnh đó, cần có định hướng quy hoạch vùng phát triển gắn với các điểm du lịch lân cận, tập trung đầu tư về cơ sở vật chất để nâng cao giá trị của điểm đến, đặc biệt nên gắn kết với điểm có lợi thế về văn hóa truyền thống để hình thành chuỗi của sản phẩm du lịch nông thôn. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, chủ trang trại về giá trị khai thác du lịch trải nghiệm vườn cây ăn trái của họ; khuyến khích tổ chức một số dịch vụ bổ sung phục vụ du khách như ăn uống, cắm trại, xây dựng nhà nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc - thu hoạch hoa quả, chế biến một số loại đồ uống tại vườn…
Những đề xuất trên góp phần định hình cho việc đa dạng sinh kế của người dân khi tham gia hoạt động du lịch.
Phan Ngọc Diệp