Hoạt động của ngành

Bắc Sơn (Lạng Sơn): Phát huy giá trị di tích

Cập nhật: 08/04/2020 08:29:29
Số lần đọc: 1138
Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Bắc Sơn được các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 29 điểm, khu di tích gồm: 1 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt (khu di tích có 12 điểm di tích), 3 điểm di tích cấp quốc gia và 14 điểm di tích cấp tỉnh. Công tác quản lý các di tích trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, tạo điều kiện cho ban quản lý các di tích hoạt động đi vào nền nếp, có hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê lại tài sản thuộc các di tích, đồng thời tăng cường trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá theo đúng quy định.

Di tích đình Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn

Để thực hiện hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích, phòng chức năng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thông qua các cuộc họp của xã, thị trấn và các khu dân cư. Đồng thời, đăng tải các văn bản triển khai thực hiện trên trang thông tin điện tử huyện; tuyên truyền trên sóng truyền thanh huyện.

Từ năm 2016 – 2019, huyện đã tuyên truyền được 91 tin, 36 bài, 32 lượt văn bản; treo 22 băng zôn; tuyên truyền bằng xe lưu động được 5 lượt, in sao được 20 đĩa CD và DVD tuyên truyền cung cấp cho các xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền lồng ghép vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của các tổ chức đoàn, hội, chi hội ở cơ sở… Cùng đó, hằng năm, Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học thường xuyên tổ chức các buổi trải nghiệm chăm sóc một số điểm di tích. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của học sinh về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.

Nhờ đó, trong 5 năm trở lại đây, một số di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo như: di tích đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ), chùa Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh), đình Long Đống (xã Long Đống), di tích lịch sử Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ)… Ước tổng kinh phí cho công tác tôn tạo các di tích trên từ nguồn ngân sách và xã hội hóa trên 20 tỷ đồng. Song song với đó, các điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ, đầu tư xây dựng các bia tưởng niệm, bia ghi dấu sự kiện, cắm biểu tượng, tượng đài chiến thắng, góp phần tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa của di tích đến nhân dân.

Ông Hoàng Đình Khoai, Nhang trưởng đình Nông Lục, xã Hưng Vũ cho biết: Từ cuối năm 2018, Ban quản lý di tích xã đã giao và phân công cụ thể trách nhiệm trông coi, bảo vệ di tích cho Hội Người cao tuổi xã với 10 thành viên cư trú gần di tích, chúng tôi đã thường xuyên thay phiên nhau trông coi di tích và 7/7 ngày trong tuần mở cửa đón khách du lịch. Nhờ đó, những năm gần đây, du khách trong nước và cả khách nước ngoài đến đây nhiều hơn. Có thể thấy, việc thực hiện tốt công tác tôn tạo, trùng tu, phục dựng di tích nên các di tích trên địa bàn huyện đã đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất, qua đó góp phần thu hút khách du lịch tới địa bàn.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/2020) và để góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến tham quan, học tập tại địa phương, UBND huyện Bắc Sơn đã tiến hành khảo sát, đề xuất với UBND tỉnh các hạng mục công trình chào mừng kỷ niệm. Đến nay, UBND huyện đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để mở đường tới di tích Khuôn Khát và dựng bia nhỏ tại điểm di tích bằng nguồn kinh phí 250 triệu đồng của huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thực hiện chủ trương huy động xã hội hóa xây dựng, cải tạo các công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện với mức đóng góp 1 ngày lương.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia bảo vệ, không xâm phạm đến di tích; tiếp tục quảng bá, tuyên truyền tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị các di tích lịch sử  –  văn hóa  trên địa bàn các xã, thị trấn. Đặc biệt, thông qua phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa.

TUYẾT MAI

 

Nguồn: baolangson.vn

Cùng chuyên mục