Hoạt động của ngành

Bảo Lâm (Cao Bằng) giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: 07/04/2020 11:14:28
Số lần đọc: 1222
Bảo Lâm là huyện biên giới, vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, gồm 13 dân tộc đoàn kết chung sống, phần lớn là dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Lô Lô... Mỗi dân tộc có nét văn hóa, tín ngưỡng riêng thông qua lao động sản xuất, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, trang phục, văn hóa...

 

Chiếc khèn của dân tộc Mông, xã Nam Quang (Bảo Lâm).

Dân tộc Mông ở Bảo Lâm chiếm đến 48,9% dân số trong toàn huyện. Ngoài phát triển cây lương thực, chăn nuôi bò, ngựa..., người Mông còn trồng lanh lấy sợi dệt vải và trồng cây dược liệu. Trang phục của người Mông được may bằng vải lanh tự dệt, gồm: váy, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Áo phụ nữ Mông có cổ là một miếng vải, trên bả vai thêu hoa văn sặc sỡ. Váy may và trang trí công phu, là váy mở xếp nếp xòe rộng.

Tết cổ truyền của người Mông tổ chức vào tháng 12 dương lịch, trong ngày Tết, nam nữ thanh niên vui xuân thường thổi khèn gọi bạn. Hằng năm, cứ đến dịp Tết âm lịch người dân thường tổ chức hội tung còn, ném pao; từ mùng 3 - 15 tháng Giêng âm lịch, các xã: Quảng Lâm, Thạch Lâm, Mông Ân… tổ chức lễ hội chọi bò.

Người Tày thường sống tập trung đông nhất tại các xã: Yên Thổ, Nam Quang, Vĩnh Phong, Lý Bôn, Vĩnh Quang. Nhà ở của người Tày chủ yếu là nhà sàn. Nét đặc sắc về văn hóa của người Tày thể hiện trong làn điệu Lượn, hát Then, Lượn Slương, Lượn Cọi, Lượn Ngạn, múa Sluông, múa chầu, đàn tính. Trang phục của người Tày thường đơn giản và nhuộm chàm. Trang sức phụ nữ Tày có đủ các chủng loại như: vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Phụ nữ Tày chỉ đeo chiếc kiềng bạc vừa đủ để tạo độ sáng lấp lánh trên nền áo chàm.  

Người Tày có lễ hội lồng tồng tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hằng năm để cầu mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, sức khỏe, may mắn. Ngoài ra, người Tày còn có lễ tảo mộ mùng 3/3 âm lịch để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn; ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm nhớ đến công lao sinh thành của cha mẹ vợ.

Người dân tộc Nùng thường sống tập trung trên các đồi núi và sống xen kẽ với các dân tộc khác. Trang phục của người Nùng nhìn chung giống người Tày, nhưng phong phú hơn. Người Nùng có các làn điệu dân ca sli, lượn, nàng ới...; ngày lễ quan trọng trong năm là ngày Tết Thanh minh mùng 3/3 âm lịch. Đặc biệt, xóm Cốc Phung, xã Đức Hạnh có lễ hội “choỏng làng” thường được tổ chức mở trống vào đêm 30 Tết âm lịch nhằm cầu phúc cho dân làng làm ăn phát đạt, gia đình bình an, hạnh phúc...

Dân tộc Sán Chỉ cư trú chủ yếu ở các triền đồi cao và thung lũng tương đối bằng phẳng thuộc các xã: Yên Thổ, Thái Sơn, Thái Học, Nam Cao, Mông Ân… Người Sán Chỉ có đời sống văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, được thể hiện qua công trình kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ hội và kho tàng dân ca...

Dân ca Sán Chỉ có nhiều làn điệu mang sắc thái tình cảm khác nhau, nêu gương người tốt, việc tốt, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình bè bạn, tình làng nghĩa xóm; phê phán những cái ác, thói hư tật xấu, ích kỷ cá nhân và tệ nạn trong xã hội... Ở xóm Bản Ngóe, xã Yên Thổ có múa lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng Giêng. Tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, khi con trai trong gia đình tròn 6 tuổi hoặc đến 12 tuổi sẽ tổ chức lễ cấp sắc công nhận trưởng thành.

Dân tộc Lô Lô sống tập trung thành từng làng, bản nhỏ từ 10 - 30 hộ trở lên, sống tập trung không xen kẽ với dân tộc khác. Đây là điểm khác biệt của dân tộc Lô Lô. Hằng năm, người dân tổ chức lễ hội cầu mưa vào ngày Thìn trong tháng 3 âm lịch. Theo quan niệm của người Sán Chỉ, đây là ngày rồng, rồng phun nước làm mưa tưới tiêu cho các loại cây trồng.

Người Lô Lô có những chuẩn mực về cô dâu, ngoài chăm chỉ phải thạo nghề may vá, thêu thùa. Đối với con trai phải thạo cày bừa, biết đẽo cày, đan lát... Người Lô Lô có nền kinh tế tự cung tự cấp nên muốn có bộ trang phục người dân phải tự trồng bông để kéo sợi, dệt vải. Phong tục, tập quán của người Lô Lô còn bảo lưu nguyên gốc, trong đám tang còn có múa trống đồng.

Dân tộc Dao cũng có lễ cấp sắc... Trong đám cưới người Dao, cô dâu đội mũ màu đỏ có hoa văn, cổ tay đeo nhiều vòng bạc. Ngày cưới đoàn đưa cô dâu có cả thầy cúng thổi kèn, đánh chiêng, khua trống và nhiều nghi thức khác... Tín ngưỡng của người Dao là đa thần “vạn vật hữu linh”. Phong tục, tập quán thờ cúng tổ tiên thể hiện qua lễ đặt tên cho con trai và cấp sắc cho người làm thầy cúng...

Để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện Bảo Lâm đã triển khai, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc về nét đẹp văn hóa truyền thống. Đồng thời, đẩy lùi một số phong tục, tập quán lạc hậu như: kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, tục thách cưới bằng bạc trắng trong đồng bào dân tộc Dao; lễ tang người chết được thực hiện đơn giản, văn minh.

Trong dịp lễ, Tết của dân tộc, chợ phiên, ngày hội giao duyên, hội xuân, lễ mừng nhà mới, đám cưới, đám hỏi..., huyện quan tâm khôi phục và phát triển các làn điệu dân ca hát Then, Sli, lượn của dân tộc Tày, Nùng; múa khèn, thổi kèn lá, đàn môi của dân tộc Mông; kèn pí lè của dân tộc Dao; phát triển các làn điệu dân ca của dân tộc Dao, Sán Chỉ, Lô Lô. Đẩy mạnh các phong trào thể dục, thể thao truyền thống, các môn kéo co, đẩy gậy, tung còn, ném pao, đánh yến... được lưu truyền và tổ chức trong các dịp lễ hội.

Những năm qua, huyện Bảo Lâm đã khôi phục một số lễ hội của các dân tộc như: Múa trống đồng trong đám ma của dân tộc Lô Lô tại 2 xóm Cà Pẻn, Cà Đổng, xã Đức Hạnh; lễ cấp sắc của dân tộc Sán Chỉ, xóm Bản Ngóe, xã Yên Thổ; múa khèn của dân tộc Mông; lễ choỏng làng của dân tộc Nùng, xóm Cốc Phung, xã Đức Hạnh; lễ hội chọi bò của dân tộc Mông tại các xã Mông Ân, Thạch Lâm, Quảng Lâm... Năm 2007, huyện phục dựng hội chọi bò của dân tộc Mông, xã Mông Ân và nâng lên thành lễ hội từ năm 2008 với tên gọi “Lễ hội thi bò đẹp và chọi bò”, được tổ chức ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Để duy trì, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương, huyện đề xuất chương trình bảo tồn, lưu giữ, tham quan, học tập các mô hình điểm về gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất nhà văn hóa cho các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân mở lớp truyền dạy hát Then, Sli, lượn, múa... nhằm lưu truyền cho thế hệ mai sau.

 
Văn Hiếu
Nguồn: baocaobang.vn

Cùng chuyên mục