Giữ cho Quy Nhơn sạch & đẹp
Nhìn từ trên cao, vẻ đẹp TP Quy Nhơn được điểm tô bởi những không gian xanh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Mỗi khi có bạn bè ở phương xa ghé thăm, tôi đều dành thời gian chở bạn bằng xe máy đi dạo vào cuối mỗi buổi chiều, với “city tour” chầm chậm qua các tuyến phố An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Xuân Diệu, rồi dạo quanh Hồ sinh thái Đống Đa...Một người bạn ở “thành phố đáng sống” Đà Nẵng cứ tấm tắc khen Quy Nhơn cũng đáng sống với những nét riêng, như việc dành nhiều “đất vàng” để tạo không gian xanh, nhất là những hàng cây, bãi cỏ xen lẫn sắc hoa trải dài kết hợp làm công viên ở dọc đường Nguyễn Tất Thành.
Nhiều năm qua, công dân Quy Nhơn - Bình Định có niềm tự hào khi tỉnh, thành phố luôn định hướng ưu tiên các quỹ đất ven biển, khu trung tâm cho xây dựng công viên, cây xanh và nơi thư giãn cộng đồng. Toàn thành phố có hàng trăm hecta hồ sinh thái, hồ điều hòa, quảng trường, công viên, cây xanh, tạo thêm nhiều mảng không gian đô thị. Các công trình xây dựng các khu dịch vụ - du lịch, khu dân cư, khu đô thị mới ở Quy Nhơn đều chú trọng tỷ lệ không gian xanh trong tổng diện tích xây dựng. Ngoài ra, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng cảnh quan môi trường, rừng phòng hộ. Hiện thành phố có tỷ lệ che phủ rừng khoảng 40%... Thật vui khi nhiều du khách đã dành cho Quy Nhơn “điểm cộng” cho cây xanh.
Một góc đường Bình Hà ven bờ Hồ sinh thái Đống Đa
Để giữ cho thành phố luôn sạch đẹp, lực lượng công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn cần mẫn quét dọn, thu gom rác thải ở trên 300 tuyến đường và 800 tuyến hẻm tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Bộ tiêu chuẩn đánh giá “Thành phố du lịch sạch ASEAN” có lưu ý về xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân và du khách. Tại TP Quy Nhơn hiện đã có hàng trăm nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, công viên, chợ, trung tâm thương mại, cảng, nhà ga, bến xe... và dự phòng gần 10 nhà vệ sinh di động phục vụ các sự kiện lễ, hội, các điểm phát sinh đông khách du lịch. Trong công trình mở rộng đường ven biển Xuân Diệu, đã có thêm hạng mục bổ sung là 3 nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ngầm, thân thiện với môi trường... đến nay chuẩn bị đi vào hoạt động.
Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn dọn vệ sinh ở khu vực Hồ sinh thái Đống Đa
Người dân và du khách không xả rác bừa bãi cũng là chung tay góp phần giúp TP Quy Nhơn giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Bởi, hệ thống xử lý chất thải tập trung của thành phố hiện mỗi ngày phải xử lý đến 400 tấn rác thải sinh hoạt. Thành phố đã đầu tư hệ thống xe chuyên dụng với 38 xe ép rác chuyên dùng, 300 xe thu gom rác nhỏ cơ động đi vào các hẻm nhỏ. Xây dựng nhiều bãi rác tập trung để kịp thời thu gom, vận chuyển, xử lý rác; thường xuyên tổ chức nạo vét, hút bùn, vớt rác tại các hồ lắng và hồ cảnh quan môi trường; định kỳ dùng xe sàng lọc cát, thu gom rác trên bãi biển... tạo cho diện mạo thành phố xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư cho nhiều dự án cải tạo vệ sinh môi trường; hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện công tác tuyên truyền, ban hành các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường, như: Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF - SGP) về kế hoạch thực hiện dự án về nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ môi trường biển tại các xã, phường ven biển thuộc vịnh Quy Nhơn.
“Thành phố du lịch sạch ASEAN” là một trong những nội dung của giải thưởng du lịch ASEAN, được công nhận lần đầu tiên vào năm 2018 (Việt Nam có 3 thành phố: Huế, Ðà Lạt, Hội An), lần thứ 2 năm 2020 (3 thành phố: Quy Nhơn, Huế, Vũng Tàu). Ðể được công nhận danh hiệu, TP Quy Nhơn đã đáp ứng 7 tiêu chí: Quản lý môi trường chung; đường phố vệ sinh, sạch sẽ; quản lý, xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp, đạt chuẩn. |
HOÀI THU