Nghề làm muối Bạc Liêu: Đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Diêm dân thu hoạch muối tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: N.V
Để có được vị mặn mà trong những bữa cơm của người Việt, diêm dân đã phải trầm mình dưới ánh nắng rát da để chắt lọc vị mặn mòi của biển. Nghề làm ra hạt muối đâu chỉ mặn mùi biển, mà còn chất chứa vị “mặn” vì lưng đẫm mồ hôi của những diêm dân! Người ta chỉ thấy những ruộng muối trắng muốt, chạy dọc theo ven biển, lung linh và đẹp đẽ qua từng khung ảnh. Song, mấy ai hiểu được nỗi cơ cực của người làm muối. Chia sẻ về công việc của mình, nhiều diêm dân bảo rằng, có lẽ trong số những nghề cơ cực, không nghề nào vất vả như nghề làm muối!
Ca dao Việt Nam có những câu như: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”. Nghề làm muối cũng lắm những cái “trông” như vậy, cái nghề lúc nào cũng chỉ cầu mong trời nắng thật to bởi chỉ cần đám mưa trái mùa đổ xuống là bao công sức của diêm dân tan theo bọt nước.
Hơn 100 năm qua, thương hiệu “muối Ba Thắc” Bạc Liêu vang danh khắp nơi và tất nhiên đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người làm muối. Vị mặn của biển ngậm đầy phù sa đã tạo giá trị cho hạt muối Bạc Liêu trên trường quốc tế. Thế nhưng, diêm dân vẫn nghèo trên “biển muối bạc” của mình. “Chừng nào chưa cạn biển Đông/ Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo!”, tình yêu sắt son dành cho nghề muối vẫn âm thầm chảy qua bao đời. Những cánh đồng muối chạy dài từ Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), cho đến Long Điền Đông, Long Điền Tây, Điền Hải (huyện Đông Hải) hàng năm vẫn kết tinh hạt muối, cho bữa cơm gia đình đậm đà vị mặn mòi của biển.
Hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương. Ông Võ Hoàng Nghiệp, diêm dân ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải), tâm sự: “Dẫu cơ cực đến đâu, dù nghề muối có lúc thăng trầm nhưng chúng tôi vẫn một lòng bám nghề, bám đất. Vị mặn của biển đã trở thành một phần không thể tách rời với đời sống người dân vùng này. Tôi làm nghề này đã lâu, từ kinh nghiệm sản xuất thủ công truyền thống của người xưa cho đến trải nghiệm những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tôi thấy hạt muối Bạc Liêu đã nâng lên tầm cao mới”.
Hiện nay, nhiều diêm dân đã chủ động chuyển sang làm kinh tế quy mô tập thể, không còn sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình. Đó là bước đi khả quan, tín hiệu đáng mừng cho nghề muối ở Bạc Liêu. Các hợp tác xã đang đi theo hướng sản xuất muối trải bạt công nghệ cao. Chính vì thế, hạt muối sẽ có đầu ra ổn định hơn và giá cao hơn. Khi tham gia hợp tác xã, diêm dân cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhau, dễ dàng huy động vốn để cải tiến trong sản xuất.
Ông Lê Thanh Tự - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Nhiều ý kiến cho rằng, muối Bạc Liêu khác với những nơi khác là hạt muối để lại “hậu ngọt” chứ không phải vị chát như ở vùng khác. Có được điều khác biệt này chính là nhờ vào sự ưu ái của thiên nhiên dành cho vùng đất này. Xét về điều kiện sinh thái thì nước biển, khí hậu, thời tiết ở vùng biển Bạc Liêu luôn thuận lợi cho việc khai thác để làm muối. Nhằm khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu và tôn vinh nghề làm muối của diêm dân Bạc Liêu, Bảo tàng tỉnh đã hoàn tất hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho nghề làm muối”. Theo các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, nghề thủ công truyền thống phải đạt 3 giá trị: kinh tế, xã hội và văn hóa. Nghề muối ở Bạc Liêu đã đảm bảo và thể hiện rõ nét các giá trị của một nghề thủ công.
Hành trình từ giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm muối (được cấp vào tháng 12/2013) cho đến Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể là chặng đường khá dài. Trên hành trình đó, giá trị của nghề làm ra tinh hoa của đất trời đã được tạc ghi trong lòng người dân xứ biển Bạc Liêu!
Ngọc Trân