Khánh Hòa: Luyện nghề giữa đại dịch
Nhân viên ở bộ phận thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh ôn luyện kiến thức trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19.
Những năm trước, thời điểm này, các đơn vị như: Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đang bận rộn để thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách như: Lễ kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4), ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), Lễ hội Tháp Bà Ponagar (từ 20 đến 23-3 âm lịch), ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tỉnh (19-4)… Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động đón và phục vụ khách du lịch ở các điểm tham quan, khu du lịch. Năm nay phải chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 theo quy định, nhưng không vì thế mà các đơn vị lơi là chuyên môn. Lãnh đạo các đơn vị đã có sự phân công, bố trí công việc thích hợp. “Thực hiện chỉ đạo của sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đều đã có sự chuyển đổi công việc một cách thích hợp. Trong đó, đặc biệt nêu cao ý thức duy trì trạng thái, trình độ chuyên môn để sẵn sàng khi tình hình trở lại bình thường”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Theo ông Trần Đức Hà - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, thời gian qua, tuy các nghệ sĩ, diễn viên hạn chế đến trụ sở nhưng việc xây dựng chương trình, tập luyện vẫn được duy trì. Lãnh đạo đoàn đã xây dựng các chương trình biểu diễn với những tiết mục cụ thể. Trên cơ sở đó, các thành viên đội múa được giao bài để tự tập luyện ở nhà. Điều này vừa để các diễn viên duy trì thể chất được mềm dẻo, vừa nắm được bài để khi hoạt động trở lại có thể bắt kịp nhanh công việc. Nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh vẫn duy trì tập luyện các chương trình bình thường nhưng cách thức tập luyện khác so với trước. “Tuy có những khó khăn nhưng các nghệ sĩ, diễn viên vẫn luôn cố gắng để hiệu quả tập luyện đạt từ 60% trở lên so với yêu cầu. Đến khi hết dịch, mọi người đã có sẵn cái nền, chỉ cần tập luyện thêm một vài ngày là có thể ráp tổng thể và biểu diễn”, ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh cho biết.
Tại đoàn Dân ca và đoàn Tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, các nghệ sĩ vẫn có những ngày đến nhà hát để tập luyện hoặc truyền vai, kèm vai cho các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, mọi người đều tuân thủ nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bộ phận kỹ thuật và hậu đài của nhà hát thực hiện việc sửa chữa trang phục, đạo cụ. Tất cả xem đây là khoảng thời gian để vừa luyện nghề, vừa sẵn sàng cho việc biểu diễn phục vụ trở lại.
Từ hơn 1 tháng nay, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh thực hiện sắp xếp lại công việc cho đội ngũ nhân viên, người lao động trong đơn vị. Theo đó, các bộ phận bảo vệ, cây xanh, bãi xe tập trung vào việc chỉnh trang cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường ở khu di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng và Thành cổ Diên Khánh. Bộ phận bán vé, thuyết minh tại các điểm thực hiện việc ôn luyện kiến thức về di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh; trau dồi kỹ năng thuyết trình, hướng dẫn, giới thiệu về các điểm tham quan du lịch. Đội múa Chăm ở di tích Tháp Bà Ponagar được tạm thời cho ngừng biểu diễn. Đội nhạc cụ ở Hội quán Hòn Chồng vẫn duy trì việc tập luyện hàng ngày dưới những hình thức khác nhau. “Chúng tôi xem đây là khoảng thời gian cần thiết để nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao khả năng phục vụ của đội ngũ nhân viên. Tuy không còn hoạt động đón khách nhưng toàn thể nhân viên của trung tâm vẫn làm việc bình thường và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế”, ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết.
Giang Đình