Bá Thước (Thanh Hóa) đưa du lịch cộng đồng thành ngành kinh tế mũi nhọn
Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco garden xã Thành Sơn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm làm đòn bẩy giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và được UBND tỉnh phê duyệt. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của đề án đề ra là: Tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường thu hút đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hiện đại, chuyên nghiệp; đồng thời chú trọng khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực... để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng. Từ đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, trình độ dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với việc thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết, từ năm 2017 đến nay, huyện Bá Thước đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Điện, đường giao thông liên thôn, liên xã, viễn thông, các thiết chế văn hóa, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, lắp đặt biển chỉ dẫn đến các khu, điểm tham quan du lịch ở bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Báng và Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang); vừa giúp du khách thuận lợi trong việc tiếp cận các khu, điểm du lịch trên địa bàn, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối các điểm đến du lịch trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, huyện Bá Thước còn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch. Nhờ đó đến nay, huyện Bá Thước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Điển hình như các dự án lớn: Khu nghỉ dưỡng Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), Puluong Natura, Puluong Retreat, Puluong Treehouse (xã Thành Lâm)... Trung bình, các khu nghỉ dưỡng này đón từ 700 - 900 lượt khách/tháng, trong đó 60% là khách quốc tế.
Anh Hà Nam Trung, Quản lý khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat (bản Đôn, xã Thành Lâm) chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng công ty chúng tôi đón từ 500 – 700 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 80%, khách trong nước 20%. Những khách quốc tế đến từ các nước châu Âu và một phần đến từ Mỹ. Ngoài việc du khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng còn được trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc dân tộc Thái và thưởng thức các món ăn đặc sắc bản địa”.
Trong năm 2019, huyện Bá Thước có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu, bản Kho Mường và bản Đôn. Đặc biệt được Văn Phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương khảo sát và chọn 2 làng du lịch cộng đồng ở Bá Thước làm sản phẩm OCOP điểm của Trung ương, gồm: Dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông tại các làng du lịch cộng đồng ở xã Thành Sơn và Cổ Lũng. Đây không chỉ là cơ hội giúp huyện Bá Thước quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội trong việc hoàn thiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch này được nâng lên một cách đáng kể, đáp ứng tốt hơn các điều kiện về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, quản lý Nhà nước về du lịch, thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng và khám phá, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Huyện Bá Thước hiện có 101 cơ sở lưu trú, trong đó 81 cơ sở đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng, lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay với hơn 200 người là dân bản địa trực tiếp quản lý và kinh doanh du lịch. Để nâng cao kiến thức và kỹ năng làm dịch vụ du lịch, huyện Bá Thước đã phối hợp với các ngành chức năng đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các hộ, như: Bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, thuyết minh viên, hướng dẫn viên; tổ chức hội thảo và học tập kinh nghiệm qua các chuyến đi khảo sát thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; tập huấn kỹ năng nấu ăn và pha chế đồ uống trong kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân... góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp văn minh trong phục vụ du lịch.
Được tham gia lớp tập huấn kỹ năng nấu ăn và pha chế đồ uống do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức, chị Lò Thị Hoài (bản Báng, xã Thành Sơn) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi làm dịch vụ du lịch homestay được gần 4 năm, tuy nhiên kỹ năng nấu ăn và pha chế đồ uống chủ yếu học tập qua truyền miệng. Được tham gia lớp tập huấn tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức để phục vụ du khách tốt hơn”.
Bản Báng là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách, với cảnh quan thiên nhiên thanh bình, hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những dãy nhà sàn nằm ven các sườn núi, cuộc sống của người dân vẫn còn giữ nguyên bản sắc dân tộc. Tháng 4-2018, anh Lục Văn Cường ở bản Báng đã mạnh dạn đầu tư làm ngôi nhà sàn 4 gian và các Bunggalow, công trình phụ khác để kinh doanh dịch vụ homestay. Trung bình mỗi tháng có hơn 50 lượt khách đến lưu trú và nghỉ dưỡng tại gia đình, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Anh Cường cho biết: “Tôi xác định chỉ có làm dịch vụ du lịch homestay là hướng đi mở ra cách làm giàu cho gia đình, vì vậy tôi đã tận dụng quỹ đất của gia đình ở vị trí có phong cảnh ruộng bậc thang đẹp để đầu tư làm nhà sàn và các công trình phụ trợ khác để thu hút khách du lịch đến tham quan, lưu trú”.
Nhờ có chủ trương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đúng hướng, cùng với sự năng động nhạy bén, cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp và hộ dân, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch cộng đồng ở huyện Bá Thước tăng nhanh qua các năm. Năm 2017, đón 20.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 5.800 lượt; đến năm 2019 đón được gần 45.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài gần 13.000 lượt, khách trong nước hơn 32.000 lượt, đạt 101,73% kế hoạch tỉnh giao năm 2019. Doanh thu từ du lịch hơn 21 tỷ đồng năm 2017, tăng lên hơn 50 tỷ đồng năm 2019.
Trao đổi với ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: “Với sự đầu tư hiệu quả từ các dự án du lịch cộng đồng, lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay của các doanh nghiệp và hộ dân, đã thúc đẩy du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm và thu nhập tại chỗ cho bà con dân tộc vùng cao, vùng sâu; đồng thời, nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện, huyện Bá Thước đã và đang tập trung các giải pháp phát triển các loại hình du lịch, như: Nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa tâm linh, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực và hàng lưu niệm”.