Hoạt động của ngành

Ra mắt sách “Di tích, danh thắng và lễ hội văn hóa tỉnh Bình Thuận”

Cập nhật: 01/04/2020 07:58:01
Số lần đọc: 633
Đây là cuốn sách về du lịch đầu tiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh biên soạn, xuất bản. Cuốn sách được in song ngữ (Việt - Anh), số lượng 500 bản, khổ 16 X 14 cm, với 326 trang, trong đó nhiều bức ảnh có giá trị về mặt thông tin, nghệ thuật do các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh chụp

Ông Nguyễn Chí Phú – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thành viên Ban biên soạn sách thông tin: Cuốn sách gói gọn 30 di tích, danh thắng và lễ hội văn hóa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia trong tổng số hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đây là những điểm đến thuận lợi về giao thông, từ lâu được các công ty lữ hành khai thác. Tuy nhiên những thông tin giới thiệu cho du khách chủ yếu do các hướng dẫn viên sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, không thống nhất về số liệu. Vì thế cuốn sách là tài liệu chính thống, nhằm tuyên truyền, giới thiệu cụ thể cho du khách về nguồn gốc lịch sử, giá trị văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật điểm đến.

Đó là Trường Dục Thanh một công trình tưởng niệm có ý nghĩa tinh thần vô giá của nhân dân Bình Thuận đối với Bác Hồ kính yêu. Nơi Người đã truyền đạt kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò trước khi vào Sài Gòn, ra đi tìm đường cứu nước. Là tháp Po Sah Inư, một trong 3 nhóm đền tháp Chăm thuộc kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, có niên đại đầu thế kỷ VIII đến thế kỷ IX. Là các Đình làng Đức Thắng (phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết), Đình làng Bình An (thị trấn Chợ Lầu, Bắc Bình), Đình làng Võ Đắt (thị trấn Đức Tài, Đức Linh) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, sợi dây gắn bó cộng đồng, mà còn là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng quyền lực làng, xã xưa. Đặc biệt lễ hội văn hóa dân gian tại Đình làng Lạc Tánh (Tánh Linh) còn thể hiện sự giao lưu, kết nối giữa 2 dân tộc Kinh – Chăm. Đây là nét độc đáo hiếm có mà rất ít khi thấy được ở các địa phương khác.

Ngoài ra sách còn giới thiệu về những lễ hội tiêu biểu như Dinh Thầy Thím, Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú, Giỗ Tổ các Vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương Phan Rí Cửa, Katê, Ramưwan. Các danh lam thắng cảnh chứa đựng những giá trị lịch sử hình thành địa chất, địa mạo các vùng đất trong tỉnh. Đó là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Thuận. Tất cả đều mang vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn.

Hy vọng những thông tin cô đọng, chắt lọc từ cuốn “Di tích, danh thắng và lễ hội văn hóa tỉnh Bình Thuận”, chúng ta sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các giá trị truyền thống, làm cho các di sản văn hóa ấy luôn sống và được tiếp nối qua thời gian.

T.L

 

 

Nguồn: baobinhthuan.com.vn

Cùng chuyên mục