Hoạt động của ngành

Quảng Bình: Doanh nghiệp du lịch "gồng mình" giữa đại dịch

Cập nhật: 08/04/2020 10:18:05
Số lần đọc: 718
Sau sự cố môi trường biển năm 2016, các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình đã nỗ lực vượt qua những tổn thất nặng nề và đang trên đà khởi sắc, thế nhưng đại dịch Covid-19 lại khiến họ thêm lần nữa đứng trước thách thức cam go. Toàn bộ thị trường trọng điểm đóng băng, tất cả mọi hoạt động du lịch phải tạm ngừng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để chống dịch… khiến các doanh nghiệp làm du lịch rơi vào thời kỳ khó khăn nhất từ trước đến nay.  

Không có nguồn thu vẫn phải chi trả

Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) là một trong những đơn vị kinh doanh du lịch có quy mô lớn và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh của công ty hiện đã tạm ngừng.

Chia sẻ về khó khăn của công ty, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các doanh nghiệp làm du lịch tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều gặp rất nhiều khó khăn. Riêng với Oxalis, công ty đã phải dừng khai thác các tour trong mùa cao điểm khách từ ngày 17-3-2020 đến 31-5-2020, dẫn đến việc phải hoàn tiền cho khoảng 80% số khách đã mua tour. Ngoài ra, công ty vẫn phải chi một khoản tiền lớn để duy trì hoạt động, chuẩn bị các điều kiện để khai thác trở lại”.

Cụ thể, công ty vẫn chi trả chế độ lương bình thường cho nhân viên. Với nhóm porter (350 người), do không có tour và mất thu nhập nên công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Một số nhân viên tự nguyện đăng ký giảm lương thì công ty chấp nhận mức giảm từ 30-50% so với mức lương bình thường. Ngoài ra, công ty có một khoản dự phòng để hỗ trợ thêm cho những người có điều kiện đặc biệt khó khăn.  

Ông Á cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, công ty chúng tôi sẽ duy trì chế độ lương như trên từ 4 đến 6 tháng. Nếu sau đó tình hình chưa khá lên, công ty sẽ lên phương án khác nhằm duy trì lực lượng lao động nhưng vẫn bảo đảm nguồn lực của công ty”. 

Cùng thực hiện chủ trương chung để phòng, chống dịch Covid-19, Khách sạn Hà Nội đã tạm thời đóng cửa, không đón khách. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chiêu Lĩnh, Giám đốc Khách sạn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang rất khó khăn, mà đây là khó khăn chung của tất cả những người làm du lịch thời điểm này. Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh… và dự định đề xuất với tỉnh cho phép khách sạn được làm nơi cách ly, phòng chống dịch Covid-19”.

Nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tạm dừng đón khách. (Ảnh Karst villas cung cấp)

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp du lịch đang phải vay vốn đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp đang nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh các chiến lược kinh doanh thì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây thực sự là rào cản lớn đối với người làm du lịch.

Ông Phan Văn Châu, chủ Pomelo Homestay (Bố Trạch) lo lắng chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, tôi và các nhân viên đều nghỉ việc, không có nguồn thu nhập. Mỗi tháng, tôi phải “gồng mình” trả lãi ngân hàng tầm 9 triệu đồng, rất khó khăn nên không hỗ trợ được gì cho nhân viên”.

Cũng như ông Châu, nhiều hộ gia đình làm homestay tại TT. Phong Nha đang rất lo lắng bởi hàng tháng họ vẫn phải trả lãi cho số tiền vay từ ngân hàng (người vay ít thì 1 tỷ, vay nhiều từ 3-4 tỷ đồng).

Lên kế hoạch hoạt động sau dịch

Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng với hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn đang triển khai các kế hoạch phát triển, sẵn sàng “bứt phá” sau dịch. Xác định đây là giai đoạn khó khăn, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng xem đây là cơ hội để tái cơ cấu để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis cho biết: “Hiện tại, công ty chúng tôi vẫn thực hiện công tác đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên, tái cơ cấu bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn sau khi hết dịch. Bên cạnh đó, công ty cũng tranh thủ số hóa các hệ thống quản lý nhằm nâng cao hiệu suất công việc; chuẩn bị các dự án marketing lớn, chờ hết dịch để triển khai”. 

Từ giữa tháng 3-2020, Công ty Oxalis đã chuẩn bị các chiến lược marketing để sẵn sàng triển khai khi dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát.

Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss lại cho hay: "Không có khách, không có nghĩa là không có việc gì làm và chấp nhận buông xuôi. Thời gian này, công ty TNHH Jungle Boss đã tranh thủ xây dựng một số chiến lược marketing và chọn một số sản phẩm đặc thù để hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát". 

Hiệp hội Du lịch Quảng Bình đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, như: giảm thuế suất, giãn thời gian nộp thuế; giảm giá tiền thuê đất, giãn nộp tiền thuê đất; hỗ trợ đào tạo nhân lực; giảm phí tham quan, dịch vụ, giá điện…; tập trung phát triển thị trường nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quảng bá du lịch mang tầm quốc tế…

Để chung tay phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Du lịch đã đề ra các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn ứng phó với tình hình dịch bệnh. Sở Du lịch đã làm việc với các đơn vị truyền thông trong nước và quốc tế, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Google, TripAdvisor chuẩn bị nội dung, kế hoạch để thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch Quảng Bình đến các thị trường khác, mục tiêu phù hợp với diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sở sẽ phối hợp với các đơn vị hoạt động du lịch trong tỉnh tập trung thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch với nội dung, phương thức tối ưu hóa cho từng thị trường. Sở cũng tập trung đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa phù hợp với tình hình trong nước và thế giới.

                                                                                                                                                          Cát Nhiên

 

Nguồn: baoquangbinh.vn

Cùng chuyên mục