Nhìn ra thế giới

Bản sắc văn hóa riêng mang đến giá trị lớn cho thành phố lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cập nhật: 23/05/2024 16:25:31
Số lần đọc: 2804
Thành phố Konya là điểm đến mang giá trị văn hóa và lịch sử cao ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi du khách nghĩ đến danh sách các điểm đến ở Thổ Nhĩ Kỳ thì thành phố Istanbul hay những điểm nóng ở Bờ biển Ngọc lam như Bodrum sẽ luôn xuất hiện trong tâm trí du khách ngay lần đầu tiên.

Tuy nhiên, theo hãng CNN, một điểm đến nổi bật khác, mang giá trị văn hóa và lịch sử cao ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là Konya.

Nghi lễ "Sema" ở Konya. Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images

Thành phố Konya, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử với vô vàn công trình cổ kính và những giá trị văn hóa đậm chất Hồi giáo vẫn được gìn giữ, lưu truyền mãi đến ngày nay. Konya cũng là ngôi nhà cuối cùng của hiền triết lỗi lạc người Ba Tư Celaleddin Rumi (Mevlana).

Thành phố ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Đây là điểm đến quyến rũ với khu chợ nhộn nhịp, các địa danh lịch sử và mạng lưới xe điện hiện đại để đưa người dân từ vùng ngoại ô đến trung tâm nhanh chóng.

Và đây cũng là điểm đến hành hương của người Hồi giáo.

Các đạo sĩ mặc áo choàng trắng thực hiện di chuyển nhịp nhàng trên sàn. Mặc dù hình ảnh này có thể xuất hiện ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Konya chính là trung tâm của nghi lễ này.

Các nghi lễ "Sema" đầy mê hoặc và được ví như điệu nhảy tín ngưỡng, giúp con người kiểm soát tâm trí và xua tan những tổn thương tinh thần. Sema được xem như một dạng thiền động, giúp con người kiểm soát tâm trí và xua tan những tổn thương tinh thần.

Trong mắt nhiều người, Thổ Nhĩ Kỳ hiện lên với những hình ảnh sặc sỡ: cánh đồng anh túc đỏ rực, nhà thờ Hồi giáo đa sắc màu và điệu nhảy xoay tròn với những tu sĩ mặc đồ trắng hay còn gọi là sema. Konya đã trở nên đáng giá với đặc sắc văn hóa như vậy.

Nơi hành hương

Kerem Polat, 30 tuổi, sống ở Konya - người đã học các điệu múa nghi lễ sema từ ông nội và bắt đầu biểu diễn khi mới 9 tuổi, giải thích Konya đã trở thành trung tâm quan trọng trước khi nhà thần bí Rumi đến. Thành phố có niên đại hàng ngàn năm này đã trải qua các nền văn minh Hittite, Hy Lạp, La Mã và Ba Tư trước khi trở thành thủ đô của Vương quốc Rum vào thế kỷ 11.

Sinh ra ở Balkh, nơi ngày nay là Afghanistan, nhà thần bí Rumi được cho là đã cùng gia đình đến Konya, hiện là trung tâm của các học giả Hồi giáo và là nơi có ý nghĩa tôn giáo.

"Đây là dấu hiệu cho thấy Konya được ban phước như một nơi tôn nghiêm - giống như các thành phố được tôn kính khác trên thế giới như Mecca và Medina. Chúng tôi tin rằng việc thánh nhân đến Konya không phải là ngẫu nhiên và chắc chắn ngài đã đi theo tiếng gọi linh thiêng mời ngài đến đây", ông Kerem Polat nói.

Theo ông Polat, nhà thần bí Rumi bắt đầu truyền cảm hứng cho các học giả khác tìm đến thành phố.

"Hàng nghìn người đã hành trình theo nhóm lớn từ các vùng lãnh thổ, bao gồm cả vùng đất của người La Mã. Trên thực tế, du khách lựa chọn đến thăm Konya vì mục đích tôn giáo trong suốt 700 năm qua", ông Polat nói thêm.

Hồ Tuz, gần Konya là điểm đến ấn tượng. Ảnh: Murat Oner Tas/Anadolu Agency/Getty Images

Những điểm đến đặc biệt

Çatalhöyük - di chỉ thời đại đồ đá mới ở phía Đông Nam thành phố Konya (Thổ Nhĩ Kỳ), là một khu định cư được lập nên từ khoảng năm 7.500 trước Công nguyên.

Điểm đến này cung cấp cái nhìn sâu sắc hấp dẫn về cách con người sống cách đây 9.000 năm và được biết đến là thành phố cổ xưa nhất trên thế giới.

Điềm nổi bật của thành phố chính là những kiến trúc xây dựng ở khu vực này hoàn toàn khác lạ với những kiến trúc xây dựng cùng thời. Thành phố không có đường xá và cả cấu trúc thành phố giống như một cái tổ. Các căn nhà được xây dựng sát với nhau và cửa là những ô thoáng ở trên mái nhà.

Hay một địa điểm khác, ngôi làng Sille, nằm gần trung tâm Konya, có niên đại 5.000 năm và là nơi sinh sống của những người nói tiếng Hy Lạp vào thế kỷ trước. Những lời dạy về lòng khoan dung của nhà thần bí Rumi được cho là đã duy trì sự hòa hợp giữa cộng đồng địa phương Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, lâu đài Gevale, một công trình kiến trúc cổ trên đỉnh núi phía tây bắc Konya, cũng được cho là có niên đại xa hơn thời La Mã và mang lại những phát hiện bất ngờ. Một đường hầm bí mật do người Hittite xây dựng cách đây khoảng 4.000 năm đã được tìm thấy bên dưới vào năm 2015.

"Đây là một thành phố thoải mái và an toàn, có mối quan hệ nồng ấm giữa hàng xóm, bạn bè và người dân. Mọi người vẫn quan tâm sâu sắc đến những lời dạy về lòng khoan dung lẫn nhau của nhà thần bí Mevlana", ông Polat nói.

Bởi như vậy, Konya đã trở thành thành phố dành được nhiều tình yêu của người dân trên khắp thế giới.

Hồ Tuz

Konya cũng là điểm xuất phát của Hồ Tuz - hồ lớn thứ hai tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vào mùa hè, nước hồ chuyển sang màu đỏ tươi, tạo nên cảnh tượng giống như bức tranh siêu thực. Điểm đến này nổi tiếng với thiên nhiên hoang dã đa dạng và màu nước đặc biệt, đưa nơi này trở thành địa điểm được yêu thích trên Instagram.

Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Fahri Tunç - người lớn lên gần hồ Tuz đã dành vô số thời gian để chụp ảnh động vật hoang dã, đồng thời lan tỏa văn hóa cộng đồng nâng cao nhận thức và cải thiện việc bảo vệ các loài động vật đang bị đe dọa như hồng hạc.

Ông Tunç cho biết những khung cảnh đáng kinh ngạc được tạo ra từ hồ Tuz, đặc biệt là vào lúc hoàng hôn, bởi những đàn chim bay đến đây đủ để làm tan chảy trái tim của bất kỳ du khách nào ghé thăm.

Tunç cho biết ông đã đi tới 34 quốc gia để chụp ảnh các loài chim hoặc tham quan các địa điểm với tư cách là khách du lịch, nhưng vẫn bị ấn tượng bởi sức hấp dẫn thị giác của ngôi nhà gần hồ Tuz nhiều hơn./.

Hồng Nhung

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 23/05/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT