Bánh A Quát - Món ngon của người Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế)
Bánh Á Quát được gói mô phỏng theo hình con trâu - biểu tượng cho công việc nương rẫy của người dân Cơ Tu. Bánh được làm từ nếp giống như bánh chưng, bánh tét của miền Bắc và miền Nam. Khi làm bánh này, họ không ngâm nếp trước mà công đoạn này được thực hiện sau khi gói xong. Bánh không có nhân đậu xanh, thịt mỡ ở bên trong mà chỉ hoàn toàn bằng nếp. Các loại nếp như nếp đen, nếp trắng, đặc biệt nhất là nếp than là loại lương thực chủ yếu của người dân nơi đây.
Trước khi làm bánh, họ thường phải lên rừng để cắt lá đót tươi. Khi gói, họ cầm ngửa lá đót, quấn ngọn hay gốc lá đót vòng quanh ngón tay hai vòng để tạo hình chóp nón, rồi lật ngược và bốc nếp bỏ vào cho đầy, sau đó tiếp tục nghiêng hình chóp có nếp và dùng tay quấn phần gốc hoặc ngọn còn lại của lá đót thành một hình chóp thứ hai, hoặc thứ ba, tượng trưng cho một con trâu hoàn chỉnh. Bánh gói xong được ngâm vào nước lạnh khoảng 2 tiếng để nếp nở, mềm hơn và nấu trong 2 - 3 tiếng là ăn được.
Bánh A Quát được dùng chủ yếu trong các dịp lễ trọng như lễ mừng lúa mới, giỗ tổ tiên, tạ ơn trời đất, cưới xin. Vị thanh, ngọt bùi, những cặp bánh dẻo thơm, nóng hổi cũng chính là tình cảm mà người Cơ Tu muốn gửi gắm tới du khách mọi miền đất nước./.