Non nước Việt Nam

Bánh gio ngày Tết của người Tày

Cập nhật: 09/01/2020 10:20:51
Số lần đọc: 1823
Bánh gio (Pẻng đấng) là món bánh đầu tiên người Tày chúng tôi làm khi chuẩn bị tiễn năm cũ đón năm mới, cứ qua 23 tháng Chạp là các bà, các mẹ bắt đầu lo đổi gạo chuẩn bị gói bánh. Là một món ẩm thực của dân tộc, bánh gio còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong phong tục đón Tết của người Tày. Có thể một năm nào đó làm ăn không như mong muốn mà ngày Tết thiếu thứ này thứ kia nhưng riêng bánh gio thì không thể thiếu được.


Bánh gio không thể thiếu trong ngày Tết người Tày.

Ngày trước, bao giờ bà nội cũng tự tay làm bánh. Từ lọc nước gio, nhặt các vị thuốc, gói bánh, đến vớt bánh ra. Anh em chúng tôi chỉ có một việc duy nhất là giúp nội lấy lá chít. Lá chít phải chọn lá bánh tẻ, xanh thậm, vừa to vừa dài mới tốt. Sau khi lấy về, mẹ cắt phần cuống và ngọn đi mang ngâm nước, rồi luộc lên cho lá mềm mới gói bánh. Từ khi xa nhà, việc hái lá chít tôi không được làm nữa. Năm ngoái về nhà, tôi thấy bà lúi húi ở bờ mương sau nhà, ra xem thì thấy bà đang cầm cuốc đào đất trồng bụi chít. Nội thấy tôi đến ngưng tay nói: “Trồng lấy một bụi, đến Tết làm bánh, mẹ mày khỏi phải đi xa lấy”.

Bánh gio là thức bánh dân dã của người Tày chúng tôi, nhưng để có được những chiếc bánh thơm dẻo lại tốn khá nhiều công phu. Muốn bánh ngon, màu đẹp, ngoài gạo nếp thơm dẻo, có hai thứ quan trọng nhất làm nên chất và vị của bánh là nước gio và các vị thuốc nam.

Nước gio tiếng Tày gọi là “nặm đấng”, là thứ nước được lọc từ gio bếp. Thứ nước làm nên tên gọi loại bánh này, trong nhà chỉ có nội và mẹ tôi biết lọc. Cuối Đông trời lạnh, bếp lửa giữa nhà cháy rừng rực chọn lấy gio sạch giữa bếp để cất là hợp nhất. Để bánh khi chín có màu đẹp thì phải lấy đúng lượng nước gio vừa đủ, nếu ít bánh sẽ có màu nhàn nhạt không đẹp, nhiều quá nước đặc bánh sẽ có mùi hắc của gio. Nước gio được lọc bằng lá ngõa bọc lại đựng trong sọt nứa để lên khuôn ép bún, đó đổ nước sạch vào lọc lấy nước. Bọc gio nhỏ từng giọt, từng giọt màu hổ phách xuống chậu nhôm, mất một ngày thì đầy chậu. Thường thì trong khi đợi nước gio, nội đi nhặt các vị thuốc; ngày trước, nội đọc cho chị dâu tôi học cũng phải hơn ba mươi vị cỏ cây. Tôi nghe nhiều lần chỉ nhớ được có vỏ cây gạo, củ nghệ, rễ rau dớn già... còn bao nhiêu thứ phải lên rừng mới lấy được thì tôi cả tên cũng chịu chứ đừng nói đi tìm. Các vị thuốc lấy về rửa sạch rồi đem ngâm trong nước gio qua đêm, đến hôm sau thì chắt ra ngâm với gạo. Ăn bánh gio ngoài việc thưởng thức một loại bánh Tết, thì mỗi chiếc bánh còn là một thang thuốc đặc biệt. Người xưa nói: “Cả năm lăn lộn vất vả, con người bị bao nhiêu thứ bệnh tật theo đuổi, ăn một chiếc bánh gio có các vị thuốc từ cỏ cây, từ núi rừng sẽ giúp đẩy lui bệnh tật và có sức lực dồi dào đón chào năm mới”.

Bánh gio luộc càng nhừ càng ngon. Luộc đến khi vớt bánh ra thơm lựng mùi nếp, mùi các vị thuốc và mùi lá chít, rồi khi tước bỏ lớp lá bên ngoài để lộ chiếc bánh màu hổ phách có thể uốn cong như cật nứa thì đạt.

Trời se lạnh, ngồi quây quần bên bếp lửa và cắn những miếng bánh thơm dẻo chấm đường phèn hay mật ong là tuyệt nhất, với bọn trẻ chúng tôi chỉ có vậy là đủ. Bánh vớt ra còn nóng hổi, nội lấy phần đặt lên bàn thờ Tổ tiên một đĩa, phần bánh cho người âm xong, đến chiều 30, bà nội lại mang bánh ra chia phần cho các loại dụng cụ trong gia đình. Người Tày có tục chiều 30 Tết đem hết các thức cần dùng lên nhà từ củi đến nước, rau củ… từ lúc ấy đến hết ngày mùng một chỉ dùng các thức ấy. Và cũng từ giây phút ấy, các loại dụng cụ dao, quốc, rìu... đều được dựng trang trọng một chỗ để chúng nghỉ ngơi ăn Tết như người.

Tết nữa lại về, mưa phùn bay lất phất trên những nụ hoa mới nhú rồi mở vung nồi bánh gio ăn Tết đi thôi.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT