Bánh đúc Báo Bản – hương vị của “nỗi nhớ” Ninh Bình
Tên gọi Bánh Đúc Báo Bản xuất phát từ một phong tục đẹp của người dân làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo tục lệ cổ truyền của làng, hàng năm, vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, làng tổ chức lễ hội Báo Bản với mục đích nhớ về nguồn gốc, nhớ về tổ tiên, những người đã có công lao dựng làng, giữ nước. Ngoài phần lễ, lễ hội Báo Bản Nộn Khê còn diễn ra các hoạt động đặc sắc như múa rồng, múa lân, tổ tôm,… đặc biệt là hai phiên chợ đêm vào tối ngày 12 và 13 tháng Giêng thu hút hàng nghìn người về dự với nhiều món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương như : bánh đúc, bánh gai, bánh quấn, bún riêu, bún ốc...trong đó món bánh đúc được nhiều người con xa quê yêu thích.
Cách làm bánh đúc ở quê ngày xưa rất giản đơn, thô mộc mặc dù vậy nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn ở tất cả các khâu, từ chọn nguyên liệu tới nấu bánh. Đầu tiên về nguyên liệu, yếu tố quan trọng nhất để làm được bánh đúc ngon và đậm nét riêng đó chính là bột gạo. Gạo ngâm độ nửa buổi rồi đem vo thật sạch mới cho vào cối xay ra thành bột, rồi bắc bột lên bếp, khuấy mạnh tay, liên tục để chín đều mà không bị cháy khét. Bột bánh đúc thường được trộn với nước vôi tôi để tạo độ giòn và dai. Khi nồi bột quấy xong, để nguội rồi đổ dàn ra mẹt lót sẵn lá chuối, sau đó rắc lạc rang đã bỏ vỏ lên khay bột để làm nhân. Chỉ một lúc sau, bánh cứng lại và chuyển sang màu trắng đục, dùng miếng tre già vót cắt ra từng miếng độ bằng lòng bàn tay, xếp đều lên đĩa rồi chấm với tương bần bạn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, ngậy ngậy của bánh đúc, vị cay cay thanh thoát của nước chấm.
Nguyên liệu, cách chế biến đơn giản nhưng hương vị bánh đúc luôn để lại ấn tượng sâu đậm với những ai đã từng một lần thưởng thức. Đặc biệt đối với dân Nộn Khê, món bánh đúc Báo Bản không chỉ là một món quà quê dân dã mà còn là dấu ấn, là kỷ niệm của những người con xa xứ, hễ đi đâu xa quay trở về là lại muốn tìm và thưởng thức món ngon quê nhà mang đậm hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được./.