Pẻng khô - món ngon độc đáo của huyện Thạch An (Cao Bằng)
Để làm được pẻng khô, chọn gạo nếp ngon như: nếp Pì pất, nếp cô tiên, nếp hương... Sau khi đãi sạch gạo bằng nước lá bưởi đun ấm, đổ nước lá bưởi, mướp già nấu đặc vào, được phủ kín mặt gạo bằng những miếng khoai ngứa và ngâm trong 6 giờ liền. Gạo ngâm xong được vớt lên và đồ chín. Sau đó được đổ vào cối giã, khi thấy mịn thì bỏ khoai sọ (đã xát nhỏ sẵn) vào giã cùng, đến khi thấy bánh mịn đều thì bỏ ra mẹt cán mỏng, dùng kéo cắt lấy bánh theo các loại to, nhỏ, dài, ngắn tùy theo số lượng từng loại. Bánh ngon người ta thường dùng tỷ lệ 3 gạo trộn với 1 khoai sọ. Có bánh rồi đem hong gió đến khi se bánh mới được đưa phơi nắng cho khô. Khi cần, lấy bánh đã phơi khô ra chao mỡ cho phồng lên rồi trộn vào mật đường đỏ cô sẵn, thì ta có pẻng khô ngon để ăn. Nhưng nhớ khi đem bánh vào chao phồng phải làm 2 lần. Đầu tiên, cho bánh vào chảo mỡ ấm, đảo đến khi thấy bánh hơi mềm bỏ ra; tiếp đến đổ bánh vào chảo mỡ sôi đều để chao phồng.
Trước đây người dân làm pẻng khô chủ yếu để ăn trong dịp Tết Nguyên đán và tiếp đãi khách trong những ngày có việc làng hay tại các lễ hội. Ngày nay do nhu cầu sử dụng lớn nên ở thị trấn Đông Khê và các huyện miền Đông của Cao Bằng có nhiều hộ dân sản xuất loại bánh này. Đi trên tuyến quốc lộ 4A, từ Đông Khê xuống Thất Khê (Lạng Sơn), du khách muốn ăn pẻng khô có thể mua bất cứ chỗ nào. Ngoài Pẻng khô, còn có khẩu sli, sla cao (bánh khảo) cũng là các loại bánh truyền thống được làm từ gạo nếp ngon, trở thành đặc sản của người Tày, Nùng Cao Bằng. Lên Cao Bằng, du khách sẽ được thưởng thức và mua về làm quà cho người thân./.