Bánh thắng dền Phố cổ - món ăn dân dã ấm lòng du khách
Bát thắng dền thơm ngon hơn khi ăn nóng
Trong không gian se lạnh của khu Phố cổ Đồng Văn mộc mạc, yên bình, thắng dền là một món ăn vô cùng tuyệt vời, nó hài hòa giữa vị ngọt của đường, béo ngậy của dừa và chút cay cay của gừng, đủ vị ấm nóng để xua đi cái lạnh giá nơi miền sơn cước. Cũng không rõ từ khi nào món ăn này lại xuất hiện ở Phố cổ, nhưng theo đánh giá của nhiều du khách khi đặt chân đến Đồng Văn vào buổi tối thì đa số ai cũng dừng chân để thưởng thức món ăn giống như bánh trôi nước này. Chị Nguyễn Thảo Ảnh, Hải Phòng chia sẻ: "Đây là lần đầu tôi lên Hà Giang, ngoài ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tuyệt vời thì đoàn chúng tôi còn được thưởng thức rất nhiều món ẩm thực ngon miệng tại vùng Cao nguyên đá, đặc biệt món bánh thắng dền nhìn na ná như bánh trôi nước nên rất tò mò để thưởng thức. Rất ngon và ấm lòng khi thưởng thức vào những ngày giá lạnh như thế này".
Em Máy, chủ một quán bánh thắng dền ở Phố cổ Đồng Văn cho hay: “Để làm ra một bát bánh thắng dền thì người làm cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu gồm gạo nếp, đỗ xanh chan trong nước đường hoa mai; gạo nếp nương dẻo thơm, ngâm qua đêm, để ráo rồi xay thành bột. Tiếp đó, bột được đổ vào một chiếc túi vải treo lên cho ráo đến khi bột đặc mịn thì mang ra nặn thành bánh. Mỗi bát ở đây thường có giá từ 10 - 20 nghìn đồng tùy theo bát to nhỏ”.
Để làm ra một bát bánh thắng dền, người làm phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và trải qua nhiều công đoạn
Mỗi viên bánh thắng dền có hình tròn, viên bánh to hay nhỏ tùy thuộc vào người làm. Đặc biệt, món ăn chơi dân dã này có 2 loại, đó là có nhân và chay. Bánh có nhân đỗ to hơn ngón tay một chút, còn bánh chay thì nhỏ hơn. Ngoài màu trắng, bánh còn có các màu khác nhau để nhìn bắt mắt hơn. Tiếp đến là thả các viên bột bánh vào nước sôi, khi nổi lên thì vớt ra xếp vào bát rồi chan với nước dùng. Bát nước dùng là một trong những yếu tố làm nên hương vị thơm ngon, độc đáo của món bánh này, được pha chế từ nước, đường, gừng song mỗi người làm bánh luôn có bí quyết pha riêng để nước đảm bảo được độ cay, ngọt vừa phải. Để bánh thắng dền tròn vị không vỡ nát thì mỗi khi có khách gọi đến đâu, người bán mới luộc đến đó. Bát bánh luôn nóng phù hợp với những ngày se se lạnh của vùng cao.
Anh Nguyễn Hồng Quảng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Thắng dền có mùi thơm của gạo, của gừng. Khi ăn lại có vị ngọt của nước đường và nhân đỗ, vị cay của gừng, rất phù hợp với không gian, thời tiết tại nơi đây”.
Nếu bạn đã đặt chân đến Hà Giang thì đừng quên thưởng thức món ăn dân dã này. Bát thắng dền nhỏ mà chứa đựng hơi ấm của tình người, của những điều mộc mạc, bình dị vùng Cao nguyên đá, khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi.
Bài, ảnh: Hồng Cừ