“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc
Trên từng chiếc bàn trong quán luôn dọn sẵn một đĩa trứng cút tầm mươi cái, một đĩa nem, chả hoặc tré Huế, để trong khi chờ đợi, thực khách có thể nhâm nhi chút gì đó cho đỡ buồn miệng. Lột trứng cút hay chả bỏ vào tô cho người đi cùng cũng là một cách thể hiện sự quan tâm đầy ý nhị. Bánh canh cá lóc dùng kèm với chả cũng rất hay, khi cái vị hơi ngậy của chả kết hợp hài hòa với vị thanh nhẹ của nước dùng; còn nem, tré thì ăn ngoài chơi chơi thôi.
Bánh canh cá lóc được làm từ đa dạng các loại bột: bột mì, bột gạo, bột lọc, bột lộn (kết hợp hai hay ba loại bột kể trên)…, mỗi thứ có vị ngon và nét đặc sắc riêng. Sợi bột mì dẻo, săn, hơi ngả vàng; bột gạo trắng trong, nhẹ nhàng, mảnh mai; bột lọc trong như gương, ăn vào dai dai rất thích miệng; bột lộn là một sự “bùng nổ vị giác” khi kết hợp tất cả. Khi tới quán, bạn muốn ăn bánh canh bột gì thì nhớ nhắc trước với các o, các dì, nếu không họ sẽ tự hiểu và múc cho bạn một tô bánh canh bột gạo, bởi bột gạo là loại bột thông dụng và dễ ăn nhất.
Ngoài cá lóc, một số hàng còn sáng tạo thêm món bánh canh cá rô, bánh canh giò heo, bởi nó được dùng ngay, bột sau khi “trụng” (luộc nhanh) qua được múc ngay ra bát ăn cho nóng và giữ được cái vị dai dai, sật sật của sợi bánh. Nếu bánh canh thường, bánh canh Nam Phổ phù hợp với người già, trẻ em thì bánh canh cá lóc được lòng giới trẻ và giới trung niên hơn.
Nếu thích đậm đà, bạn có thể nêm thêm chút ớt xay, nước mắm, muối tiêu…, nhưng tôi thấy một tô bánh canh nguyên bản cũng đủ thấm tháp lắm rồi. Bánh canh cá lóc giải cảm không kém cạnh phở, chỉ là dặn o bán hàng “trụng” bột lâu một chút cho dễ tiêu và thêm thật nhiều hành lá. Hành và sức nóng của nước sẽ giúp bạn đổ mồ hôi và hạ nhiệt cơ thể nhanh chóng.
Món ăn này ở Huế đâu đâu cũng có nhưng nổi tiếng nhất là bánh canh cá lóc Thủy Dương (Hương Thủy). Cách thành phố Huế chỉ tầm 3km, nơi đây có cả một dãy quán bánh canh cá lóc tạo nên một “khu phố” ẩm thực chuyên biệt và độc đáo. Vào dịp lễ, tết, những hàng bánh canh cá lóc Thủy Dương càng tấp nập người ra kẻ vào hơn.
Bài, ảnh: Thục Đan